Doanh nghiệp Fintech lo khoảng trống pháp lý

Fintech DOANH NGHIỆP
14:05 - 11/11/2021
Doanh nghiệp Fintech lo khoảng trống pháp lý
0:00 / 0:00
0:00
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, nếu có quy định rõ ràng về hành lang pháp lý, thị trường Fintech tại Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.

Theo thống kê hiện nay có khoảng trên 100 doanh nghiệp là công ty tài chính công nghệ đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng (P2P lending)… Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng.

Thông tin trên được ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết tại Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2021 nhóm các tổ chức hội viên là tổ chức trung gian thanh toán và công nghệ tài chính (Fintech).

Riêng 6 tháng đầu năm 2021, nhờ đa dạng hoá sản phẩm cùng với sự phát triển bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, giao dịch qua các dịch vụ trung gian thanh toán tăng mạnh.

So với cùng kỳ năm ngoái, dịch vụ cổng thanh toán điện tử tăng 46,7% về số lượng, 42,6% về giá trị; dịch vụ ví điện tử tăng 85,3% về số lượng, 91,5% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ tăng 47,1% về số lượng, 78% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền tăng 95,6% về số lượng, 16,9% về giá trị.

Dù đạt được những kết quả tích cực trong cung ứng dịch vụ thanh toán, tuy nhiên, cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến vấn đề khung pháp lý.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, đang cung cấp dịch vụ kết nối giữa đơn vị trung gian thanh toán khác như ví điện tử với hệ thống các ngân hàng. "Có thời điểm Napas gần như phải dừng cung cấp dịch vụ này", ông Hùng cho hay.

Bởi lẽ, khi ngân hàng rà soát lại khuôn khổ pháp lý liên quan đến eKYC, dịch vụ trên bị không được quy định rõ ràng, tức rơi vào "vùng xám" pháp lý. "Nếu không sớm được làm rõ, Napas và các trung gian thanh toán không thể triển khai được các dịch vụ thuận lợi nhất, kéo theo điều kiện cho sự phát triển ví điện tử hẹp dần", đại diện Napas nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech (đơn vị sở hữu ví điện tử Ngân Lượng) đánh giá, công tác xây dựng hành lang pháp lý cho Sandbox đến giờ chưa thấy cập nhật hay bước tiến mới. Trong khi đó, Blockchain, Crypto, P2P…. đều là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro, nếu không có khung pháp lý cụ thể, doanh nghiệp không dám làm.

"Nếu không sớm được làm rõ, Napas và các trung gian thanh toán không thể triển khai được các dịch vụ thuận lợi nhất, kéo theo điều kiện cho sự phát triển ví điện tử hẹp dần",

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas)

"Trước đây, đối với hoạt động trung gian thanh toán, mặc dù chưa có Nghị định 101, nhiều công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) vẫn có thể hoạt động. Tuy nhiên, riêng với lĩnh vực Fintech Lending, khi chưa có quy định Sandbox thì doanh nghiệp không thể làm vì rủi ro nợ xấu rất lớn. Hành lang pháp lý đối với hoạt động có tính chất đổi mới sáng tạo cần sớm được ban hành để các doanh nghiệp trong nước theo kịp sự phát triển của các quốc gia trong khu vực", ông Bình chia sẻ.

Nhìn chung, chính vì khuôn khổ pháp lý còn sơ khai nên hầu hết các đơn vị trung gian thanh toán, Fintech đều cho rằng họ đang phải hoạt động vô cùng thận trọng, khiến đà phát triển của doanh nghiệp bị kìm hãm.

Trước thực trạng vướng mắc của các hội viên, VNBA kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/9/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo hành lang pháp lý cho các Ngân hàng được giao đại lý dịch vụ thanh toán đối với các tổ chức khác, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể, để các các trung gian thanh toán triển khai dịch vụ hỗ trợ thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ ở nước ngoài vừa đảm bảo quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước vừa giúp hoạt động của trung gian thanh toán phát triển, phù hợp thông lệ quốc tế.

Cũng tại hội thảo, đại diện Vụ Kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ); Vụ Thanh toán, Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để có cơ sở tham mưu với lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các tổ chức trung gian thanh toán và Fintech.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.