Động lực từ các thị trường lớn giúp dệt may Việt Nam phục hồi

Dệt May Việt nAM
14:34 - 12/08/2023
Động lực từ các thị trường lớn giúp dệt may Việt Nam phục hồi
0:00 / 0:00
0:00
Theo VNDirect, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các thị trường Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn tại thị trường EU dù hàng rào thuế quan cho sản phẩm may mặc xuất khẩu tiếp tục hạ xuống.

Báo cáo cập nhật về ngành dệt may ngày 11/8, Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra những động lực từ các thị trường lớn giúp ngành dệt may Việt Nam cải thiện trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Chờ đợi bước ngoặt đến từ triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc

Kim ngạch xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 1,04 tỷ USD.

Tuy nhiên, giá trị được ghi nhận trong quý 2/2023 đã tăng mạnh 42,1% so với quý trước và đạt 610,7 triệu USD, nhích nhẹ so với con số của cùng kỳ năm 2022 (đạt 609,7 triệu USD).

Giá trị nhập khẩu sợi và vải của Trung Quốc đã tạo đáy từ trong quý 4/2022 và tăng 22,3% so với quý trước trong quý 2/2023 lên mức 2,9 tỷ USD. Mặc dù vậy, con số này vẫn thấp hơn 13,6% so với cùng kỳ do giá sản phẩm giảm.

Chuyên gia VNDirect chỉ ra rằng, chỉ số giá đầu vào cho các nhà sản xuất sợi ở Trung Quốc đã tăng nhẹ 0,1% và 0,3% so với tháng trước trong tháng 5 và tháng 6, cho thấy nhu cầu đang phục hồi. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ các mặt hàng dệt may và giày dép tính đến tháng 5/2023 đã tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ, đạt 107,6 tỷ Nhân dân tệ.

Cùng với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ, cũng như giảm lãi suất tiết kiệm để kích thích dòng tiền chảy ngược lại ra tiêu thụ và đầu tư. Chuyên gia VNDirect kỳ vọng, thị trường Trung Quốc sẽ cho thấy các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn vào quý 4/2023 đến quý 1/2024.

Từ đó, các nhà sản xuất sợi với tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao như CTCP Damsan (mã: ADS) sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng này.

Nhu cầu cho vải và hàng may mặc tại Mỹ sẽ sớm tăng trở lại

Chứng khoán VNDirect kỳ vọng nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý 1/2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc sang Mỹ của Việt Nam giảm 25,7% so với cùng kỳ 6 tháng năm ngoái, đạt mức 7,04 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu của riêng quý 2/2023 đã cao hơn 27,2% so với quý 1, đạt 3,94 tỷ USD.

Về phía thị trường Mỹ, tính đến tháng 5/2023, vải và hàng may mặc nhập khẩu của quốc gia này đã tăng 12,1% so với tháng trước về lượng (đạt mức 13,2 tỷ m2) và tăng 9,3% so với tháng trước về giá (đạt mức 9,2 tỷ USD).

"Sản lượng nhập khẩu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2022, phản ánh nhu cầu cho sản phẩm thuộc các phân ngành này đang phục hồi với tiến độ tích cực", chuyên gia VNDirect đánh giá.

Tồn kho hàng hóa bán lẻ quần áo và phụ kiện tại Mỹ đã quay đầu giảm kể từ tháng 3, tuy nhiên hiện vẫn đang ở vùng cao so với giai đoạn trước dịch, do đó chuyên gia VNDirect cho rằng hoạt động bổ sung hàng tồn kho trong các tháng tới của các nhà sản xuất sẽ chỉ ở tốc độ chậm.

Nhưng nhóm phân tích vẫn kỳ vọng, việc nhu cầu tăng cao trong mùa lễ hội cuối năm sẽ giúp thúc đẩy việc bán hàng và hấp thụ bớt lượng hàng tồn kho đang ở mức cao, tạo dư địa cho các đơn hàng mới để phục vụ cho mùa xuân-hè 2024.

"Chúng tôi thấy rằng công cuộc kiểm soát lạm phát của Mỹ đang tiến triển tích cực, với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại quốc gia này tiếp tục thu hẹp đà tăng và đạt mức 3,0% so với cùng kỳ trong tháng 6/2023 – mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021", báo cáo viết.

Cùng với đó, VNDirect kỳ vọng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED sẽ đảo chiều sau năm 2023, điều này sẽ giúp dần cởi bỏ gánh nặng lên sức tiêu thụ tại các mặt hàng không thiết yếu – trong đó bao gồm quần áo và các sản phẩm khác của ngành dệt may.

Nhu cầu tại EU chưa thực sự phục hồi

Đánh giá về triển vọng tại thị trường EU, VNDirect nhận định, hàng rào thuế quan cho sản phẩm may mặc xuất khẩu sang EU tiếp tục được hạ xuống nhờ EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam) nhưng nhu cầu chưa thực sự hồi phục.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu vải và hàng may mặc sang EU của Việt Nam giảm 10,2% so với năm ngoái, đạt 1,89 tỷ USD. Trong quý 2, dữ liệu này được ghi nhận đạt 1,12 tỷ USD, tương đương với mức tăng 43,8% so với quý trước nhờ mức nền thấp của quý 1/2023 (ở mức 776,5 triệu USD, mức thấp nhất kể từ quý 3/2021).

Tuy nhiên, VNDirect cho rằng, việc các điều kiện tài chính tại Châu Âu được dự đoán sẽ còn bị thắt chặt hơn trong các tháng tới (ECB tiếp tục nâng lãi suất) đang là một rủi ro đe dọa triển vọng tiêu dùng tại khu vực này.

"Lạm phát lõi tại khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã tăng cao hơn trong tháng 6/2023 – ở mức 5,4% cùng kỳ năm ngoái, cho thấy cuộc chiến chống lạm phát tại khu vực này đòi hỏi có thêm các biện pháp", theo báo cáo.

Theo dữ liệu từ Liên đoàn Dệt may Châu Âu (EURATEX), chỉ số niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dệt may tại Châu Âu vẫn đang tiếp tục suy giảm, báo hiệu rằng hoạt động sản xuất trong ngành này sẽ còn thu hẹp hơn trong quý tới.

Chỉ số này đã giảm 0,7 điểm đối với ngành sợi và 10,1 điểm đối với ngành may trong tháng 6 so với tháng 5, chủ yếu do quan điểm tiêu cực hơn của các nhà quản trị dựa trên lượng đơn đặt hàng và mức tồn kho hàng hóa thành phẩm hiện hữu của họ.

Tin liên quan

Đọc tiếp