Dòng tiền vào chứng khoán còn thận trọng cho tới cuộc họp của Fed tháng 11

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
06:00 - 08/10/2022
Định giá thấp là yếu tố hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào thị trường chứng khoán thời gian tới.
Định giá thấp là yếu tố hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào thị trường chứng khoán thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Định giá đa số các thị trường chứng khoán bao gồm Việt Nam đã ở mức thấp, hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền gia nhập. Tuy nhiên theo SSI, cho tới cuộc họp của Fed vào tháng 11 tới, nguồn vốn vào chứng khoán sẽ vẫn còn thận trọng.

Dòng tiền vào các tài sản tài chính rủi ro giảm mạnh

Trong báo cáo ra ngày 7/10 cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 9/2022, Chứng khoán SSI nhận định, trên toàn cầu, dòng tiền vào các tài sản tài chính rủi ro giảm mạnh. Theo khảo sát các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merill Lynch, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục tăng lên 6,1%, cao nhất kể từ 2001 và tỷ trọng vào thị trường cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Dòng vốn vào thị trường cổ phiếu nới rộng đà giảm trong tháng 9, khi rút ròng 8,5 tỷ USD (từ mức 2,2 tỷ tháng 8). Dòng tiền vào các quỹ trái phiếu - 25,5 tỷ USD và tiền tệ -30,9 tỷ USD cũng ghi nhận sự suy yếu rõ nét.

Tại thị trường phát triển (DM), dòng vốn rút 9 tỷ USD (từ mức 3,5 tỷ trong tháng 8) với đóng góp chủ yếu đến từ khu vực Tây Âu trong bối cảnh lo ngại khu vực này sẽ nhanh chóng rơi vào suy thoái ngay trong năm nay hoặc đầu năm sau. Dòng tiền giải ngân vào thị trường Mỹ cũng suy yếu, khi chỉ vào ròng 3,2 tỷ USD – mức thấp nhất kể từ Covid-19.

Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) vào ròng nhẹ 489 triệu USD – mức thấp nhất kể từ tháng 4/2019. Thị trường Trung Quốc cải thiện trong tháng 9, vào ròng 8,6 tỷ USD – tăng gấp đôi so với tháng trước, khi dữ liệu vĩ mô về cuối quý có sự cải thiện nhờ các chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng. Ngoại trừ Ấn Độ, Indonesia (nhờ triển vọng dòng vốn FDI tích cực), dòng vốn vào các nước châu Á khác đều yếu đi rõ nét khi đồng USD mạnh lên.

Diễn biến dòng vốn vào cổ phiếu theo tuần trong tháng 9/2022 ở các thị trường chính của khu vực châu Á.
Diễn biến dòng vốn vào cổ phiếu theo tuần trong tháng 9/2022 ở các thị trường chính của khu vực châu Á.

SSI duy trì quan điểm thận trọng về việc phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính, đặc biệt là tới các quỹ cổ phiếu cho tới cuộc họp Fed vào tháng 11, khi các rủi ro như các ngân hàng trung ương đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ và rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng đến gần hơn.

Mặc dù điểm tích cực là định giá thị trường cổ phiếu ở các quốc gia đã về mức thấp, nhưng dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu chỉ được kích hoạt khi các tín hiệu về lạm phát có xu hướng giảm rõ nét và liên tục hơn, cũng như các thông điệp điều hành chính sách tiền tệ của Fed mang tính chất nới lỏng hơn.

Trong thời điểm hiện tại, SSI cho rằng chưa có sự biến chuyển lớn trong tâm lý thị trường. Dòng vốn cổ phiếu vào thị trường mới nổi sẽ ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng của đồng USD và sẽ khó có sự bứt phá trong thời gian còn lại của năm.

Định giá thấp có thể giúp dòng tiền chủ động giải ngân

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn ETF trong tháng 9 giải ngân chậm lại nhưng xu hướng rút ròng cũng được thu hẹp.

Tương tự tháng 8, xu hướng giải ngân từ nhóm các quỹ ngoại như Fubon, FTSE hay quỹ nội như SSIAM VNFinlead được duy trì, tuy nhiên với tốc độ chậm lại rõ rệt. Cụ thể, quỹ Fubon vào ròng +129 tỷ đồng, giảm 50% so với tháng 8; FTSE Vietnam +77 tỷ đồng, giảm 88%; SSIAM VNFIN Lead +38 tỷ đồng, giảm 73%.

Đối với các quỹ rút ròng, nhóm quỹ ETF liên quan đến VFM vẫn tiếp tục rút với khối lượng thu hẹp lại như VFM VNDiamond (-407 tỷ đồng, cải thiện từ mức -891 tỷ trong tháng 8) hay VFM VN30 (-33 tỷ, từ mức -205 tỷ đồng tháng 8).

Nhìn chung, hoạt động thận trọng ở chiều giải ngân khiến dòng vốn ETF bị rút ròng tổng cộng 316 tỷ đồng trong tháng 9, chỉ sau mức rút ròng vào tháng 3 năm nay. Tính chung cho 9 tháng đầu năm, các quỹ ETF vẫn ghi nhận dòng vốn vào ròng gần 8.200 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ Fubon và VNDiamond.

Đáng chú ý trong tuần cuối tháng 9, chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng VNMIDCAP đã được niêm yết trên sàn HSX với tổng giá trị ban đầu là 60 tỷ đồng.

Đối với các quỹ chủ động, xu hướng giải ngân trong tháng 8 đã không được duy trì trong tháng 9, hầu hết đều ghi nhận rút ròng (hoặc vào ròng khá khiêm tốn). Điều này đã khiến tổng lượng rút ròng trong tháng 9 ghi nhận ở mức hơn 440 tỷ đồng.

Trên thực tế, việc rút ròng tương đồng với xu hướng giảm tỷ trọng vào các quỹ cổ phiếu trên thế giới, trong bối cảnh rủi ro suy thoái khiến các nhà quản lý quỹ sẽ giảm thiểu vào các tài sản tài chính rủi ro. Kể từ đầu năm, các quỹ chủ động đã rút ròng tổng cộng khoảng 840 tỷ đồng.

Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư đảo chiều bán trên thị trường chứng khoán trong tháng 9, với tổng giá trị là 3.500 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm nay. Giao dịch khối ngoại kém khả quan kể từ nửa cuối tháng 8, và tương đồng với diễn biến của khối ngoại trong khu vực (ngoại trừ Indonesia, nhờ lợi thế về xuất khẩu nguyên vật liệu thô).

Tính chung cho 9 tháng và loại trừ các giao dịch đột biến, khối ngoại mua ròng 2.500 tỷ đồng. Tỷ trọng giao dịch chưa có nhiều cải thiện (chiếm 6,7% tổng giao dịch trên thị trường – tương đương năm 2021 và giảm mạnh từ mức 11,1% trong năm 2020).

Lũy kế giao dịch khối ngoại các nước trong khu vực Đông Nam Á từ tháng 1/2020.
Lũy kế giao dịch khối ngoại các nước trong khu vực Đông Nam Á từ tháng 1/2020.

Như vậy, diễn biến dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 tiếp tục không có quá nhiều khác biệt so với kỳ vọng và chịu ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng của thế giới. SSI duy trì góc nhìn thận trọng đối với xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất cho tới cuộc họp của Fed vào tháng 11.

Bên cạnh rủi ro đến từ bên ngoài, nhân tố nội tại có tác động đến tâm lý thị trường ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn, như tăng trường chậm lại hay NHNN có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định môi trường tỷ giá. Trong khi đó, yếu tố tích cực đến từ việc định giá thị trường hiện đang ở mức thấp có thể giúp dòng tiền chủ động giải ngân (tuy nhiên ban đầu sẽ ở mức thăm dò).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.