Dự đoán thị trường Bitcoin năm 2022 'lành ít dữ nhiều'

BITCOIN THẾ GIỚI
07:24 - 24/12/2021
Dự đoán thị trường Bitcoin năm 2022 'lành ít dữ nhiều'
0:00 / 0:00
0:00
2021 là một năm thuận lợi với Bitcoin khi giá trị tăng gần 70%, nâng tổng giá trị của thị trường tiền điện tử lên mức 2.000 tỷ USD, nhưng tương lai của Bitcoin trong năm tới đang được dự báo thiếu sáng sủa.

Bitcoin cũng ghi nhận nhiều sự thay đổi đáng kể trong năm qua, trước hết phải kể đến là việc IPO vào tháng 4 của công ty tiền điện tử lớn đầu tiên - Coinbase. Ngoài ra, thị trường này còn chứng kiến sự tham gia ngày càng nhiều từ các ngân hàng của Phố Wall như Goldman Sachs. Một mốc sự kiến đáng chú ý khác chính là sự chấp thuận cho quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đầu tiên liên kết với Bitcoin tại Mỹ.

Tuy nhiên, tương lai chưa có gì là chắc chắn. Gần đây, triển vọng của Bitcoin đã giảm đi do những đợt biến động giá dữ dội và việc siết chặt các quy định của các chính quyền trên thế giới. Theo các chuyên gia, Bitcoin rất có thể đang tiến dần tới một đợt suy thoái. Các chuyên gia đã vạch ra những dự báo sau cho đồng tiền số này.

Sụt giảm giá trị

Trong những tháng tới đây, một số chuyên gia tin rằng giá trị của đồng Bitcoin sẽ giảm mạnh. Sau khi tăng lên mức cao kỷ lục gần 69.000 USD vào tháng 11, hiện đồng tiền số này đang ở mức dưới 50.000 USD, tức đã giảm 30% giá trị.

Carol Alexander, giáo sư tài chính tại Đại học Sussex, dự đoán rằng Bitcoin sẽ giảm xuống mức thấp nhất là 10.000 USD vào năm 2022 và gần như xóa sổ tất cả các khoản lãi của nó trong một năm rưỡi qua.

Bà Alexander nhận định: “Nếu tôi là một nhà đầu tư thì hiện tại tôi sẽ nghĩ đến việc rút đầu tư vì giá của Bitcoin có thể sẽ giảm mạnh vào năm sau”. Nhận định này cũng phù hợp với quan điểm cho rằng Bitcoin "không có giá trị cơ bản" và đóng vai trò như một "món đồ chơi" hơn là một khoản đầu tư.

Lịch sử có thể lặp lại một lần nữa như vào năm 2018 khi giá trị Bitcoin giảm xuống gần 3.000 USD sau khi leo lên mức 20.000 USD. Tuy nhiên, những người ủng hộ tiền điện tử lại cho rằng thị trường hiện nay đã khác với sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư tổ chức.

Todd Lowenstein, giám đốc chiến lược tại một chi nhánh của Union Bank, nhận định Bitcoin cũng sẽ giống như các bong bóng khác từng xảy ra trong lịch sử khi nhìn vào biểu đồ dao động giá và thái độ của các nhà đầu tư.

Tác dụng đầu tư phổ biến của Bitcoin là vai trò như một hàng rào chống lại lạm phát gia tăng do các biện pháp kích thích của chính phủ. Tuy nhiên theo ông Lowenstein, chính sách tăng lãi suất nhằm giảm lạm phát của Cục Dữ trữ Liên bang có để đe dọa đến sự tăng trưởng của Bitcoin bất cứ lúc nào.

Ông cho biết: “Các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Bitcoin đang kết thúc và làn sóng thanh khoản đang giảm dần. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới các loại tài sản được định giá quá cao và các khu vực đầu cơ của thị trường, trong đó bao gồm cả tiền điện tử”.

Thành lập quỹ ETF spot đầu tiên

Một sự kiện lớn mà các nhà đầu tư tiền điện tử đều mong chờ ở năm 2022 chính là sự chấp thuận quỹ Bitcoin ETF đầu tiên cho các giao dịch spot (các giao dịch mua bán và thanh toán tiền điện tử ngay lập tức) tại Mỹ. Dựa theo xu hướng hiện tại, một quỹ EFT spot có khả năng sẽ được phê duyệt vào năm 2022 và nguyên nhân chủ yếu là do thị trường đã đủ trưởng thành để hỗ trợ một quỹ như vậy.

Grayscale Investments – công ty nắm giữ quỹ Bitcoin lớn nhất thế giới, nằm trong số nhiều các quỹ hiện đã đệ trình để chuyển đổi quỹ Bitcoin của mình thành một quỹ EFT spot.

Dù Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã đưa ra tín hiệu chấp thuận cho một quỹ ETF mang tên ProShares ’Bitcoin Strategy trong năm nay, quỹ này nhằm theo dõi các hợp đồng tương lai của Bitcoin hơn là cho phép các nhà đầu tư tiếp xúc trực tiếp với chính tiền điện tử.

Cụ thể hơn, hợp đồng tương lai là các công cụ tài chính phái sinh mà các nhà đầu tư phải tuân theo để mua hoặc bán một tài sản nào đó tại một thời điểm trong tương lai với mức giá được thỏa thuận. Khi một người mua hợp đồng tương lai, người đó sẽ không sở hữu bất kì tài sản nào mà chỉ sở hữu một hợp đồng với thỏa thuận mua và bán tài sản trong tương lai. Do đó, theo các chuyên gia, việc đầu tư vào quỹ ETF của Proshares là quá rủi ro, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư mới.

Vijay Ayyar, phó chủ tịch sàn giao dịch tiền điện tử Luno cho biết quỹ EFT ra mắt năm nay cho các giao dịch hợp đồng tương lai được nhiều người đánh giá là không thân thiện với ngành bán lẻ do chi phí luân chuyển hợp đồng cao, vào mức 5% đến 10%.

Xu hướng chuyển đổi nghiêng về tài chính phi tập trung (DeFi)

Với sự phát triển của ngành công nghiệp tiền điện tử, thị phần của Bitcoin giảm dần và nhường chỗ cho các đồng tiền số khác đóng vai trò lớn hơn như Ethereum. Đây là điều mà các nhà phân tích kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới, khi các nhà đầu tư ngày càng tìm đến các khu vực nhỏ hơn với hy vọng thu được lợi nhuận lớn.

Bà Alexander của Đại học Sussex cho rằng các đồng Ethereum, Solana, Polkadot và Cardano là những đồng tiền đáng để theo dõi vào năm 2022. Bà cho biết: “Khi các nhà đầu tư bán lẻ bắt đầu nhận ra nguy cơ của việc giao dịch Bitcoin, đặc biệt là trên các địa điểm không được kiểm soát, họ sẽ chuyển sang giao dịch bằng các đồng tiền khác thuộc blockchain”. Và blochchain thì đang đóng một vai trò thiết yếu trong việc phát triển tài chính phi tập trung.

Alexander đưa ra dự đoán vào cùng kì năm 2022, vốn hóa thị trường của Bitcoin sẽ chỉ còn bằng một nửa hoặc thậm chí ít hơn mức vốn hóa của các đồng tiện điện tử nhỏ hơn như Ethereum và Solana.

Bryan Gross, người quản lý mạng lưới tại nền tảng tiền điện tử ICHI nhận định DeFi và các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) “có khả năng sẽ là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất của ngành công nghiệp tiền điện tử”. Với DeFi, các sản phẩm tài chính truyền thống hoàn toàn có thể được tạo ra mà không cần đến bên trung gian. Trong khi đó, DAO có thể được coi là một loại cộng đồng internet mới.

Trong năm 2021, tổng số tiền được gửi vào các dịch vụ DeFi lần đầu tiên vượt quá ngưỡng 200 tỷ USD. Theo dự đoán của các chuyên gia, nhu cầu cho loại hình dịch vụ này sẽ còn tăng hơn nữa vào năm 2022.

DeFi là một phần của xu hướng công nghệ rộng lớn hơn mang tên Web3. Phong trào Web3 kêu gọi một mạng lưới Internet phi tập trung sử dụng các công nghệ của blockchain và tiền điện tử như NFT. Tuy nhiên, xu hướng này cũng gặp phải nhiều luồng ý kiến hoài nghi, trong đó có tỷ phú Elon Musk của hãng xe điện Tesla và nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey.

Axie Infinity - tựa game blockchain nổi tiếng thế giới ứng dụng công nghệ DeFi

Axie Infinity - tựa game blockchain nổi tiếng thế giới ứng dụng công nghệ DeFi

Thắt chặt chính sách quản lí

Năm 2021 chứng kiến sự siết chặt trong chính sách quản lí của các chính phủ đối với tiền điện tử. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ cũng đã có những động thái này. Trong khi Trung Quốc cấm hoàn toàn tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử thì các cơ quan chức năng của Mỹ cũng siết chặt quản lý một số khía cạnh nhất định của thị trường này. Theo các nhà phân tích, năm 2022 cũng sẽ là một năm mà siết chặt quy định trở thành một vấn đề đáng lưu tâm.

Ông Ayyar, phó chủ tịch sàn giao dịch tiền số Luno nhận định năm 2022 sẽ là một năm quan trọng trên mặt trận pháp lý. Chính phủ của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đều đang rất quan tâm đến việc áp dụng các quy định vào lĩnh vực này.

Ông Lowenstein đưa ra dự đoán các đồng stablecoin sẽ chắc chắn chịu nhiều sự giám sát hơn trong năm 2022. Khác với các đồng tiền điện tử khác, đây là những token có giá trị gắn liền với giá của các tài sản hiện hữu. Một ví dụ có thể để đến là đồng Tether, hiện đang là đồng stablecoin lớn nhất thế giới và có giá trị gắn liền với đồng USD. Hiện tại, đồng tiền này đang gây nên nhiều tranh cãi do những lo ngại về việc liệu nó có đủ tài sản dự trữ để neo giá được với đồng USD hay không.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý cũng đã bắt đầu xem xét việc giám sát các dịch vụ DeFi. Đầu tháng 12, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã kêu gọi áp dụng nhiều quy định hơn với lĩnh vực DeFi do những lo ngại về việc các dịch vụ nói dối và tự tiếp thị mình là “phi tập trung” khi thực tế có thể không phải như vậy.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.