EU thống nhất áp giá trần khí đốt, Nga cảnh báo sẽ đáp trả

KHÍ ĐỐT CHÂU ÂU
08:21 - 20/12/2022
Các thành viên EU thống nhất mức giá trần đối với khí đốt. Ảnh: Reuters
Các thành viên EU thống nhất mức giá trần đối với khí đốt. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 19/12, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) thống nhất áp giá trần khí đốt sau nhiều tuần đàm phán. Ngay sau đó, Nga lên tiếng cảnh báo động thái này là vi phạm quy chế thị trường và cho biết sẽ có hành động đáp trả. 

"Đây là hành vi vi phạm quy trình định giá thị trường và xâm phạm tiến trình thị trường. Bất cứ đề cập nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19/12 bình luận về thông tin EU thống nhất mức giá trần khí đốt.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

Ông Peskov cũng cho biết: "Chắc chắn sẽ cần thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng tất cả những mặt tích cực và hạn chế khi đưa ra các giải pháp. Quy trình phản ứng liên quan đến dầu mỏ sẽ hơi kéo dài. Tuy nhiên, Moscow sẽ công bố phản ứng với động thái áp giá trần dầu mỏ và điều tương tự với khí đốt sẽ xảy ra".

Bình luận của Điện Kremlin được đưa ra sau khi Cộng hòa Czech, Chủ tịch luân phiên EU cùng ngày thông báo các quốc gia trong khối thống nhất mức giá trần khí đốt 180 Euro (191 USD)/MWh, theo Reuters.

"Chúng tôi đã thành công trong việc tìm kiếm một thỏa thuận quan trọng - điều sẽ bảo vệ người dân khỏi giá năng lượng tăng vọt", ông Jozef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp Czech, cho biết.

Mức trần mà EU đưa ra được xem là nỗ lực mới nhất của 27 quốc gia sau nhiều tháng bị chia rẽ về cách ứng phó khủng hoảng năng lượng liên quan đến khí đốt. Biện pháp này có thể được kích hoạt từ ngày 15/2/2023. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi các quốc gia chính thức phê duyệt bằng văn bản.

Mức giá trần khí đốt có thể được kích hoạt từ ngày 15/2/2023, sau khi các quốc gia phê duyệt. Ảnh: Reuters

Mức giá trần khí đốt có thể được kích hoạt từ ngày 15/2/2023, sau khi các quốc gia phê duyệt. Ảnh: Reuters

Ba quan chức EU cho biết Đức đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này, mặc dù bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách đối với khả năng thu hút nguồn cung khí đốt của châu Âu trên các thị trường toàn cầu cạnh tranh về giá.

Một quan chức EU nói với Reuters rằng Đức đã đồng ý mức giá trần sau khi các nước thống nhất thay đổi quy định nhằm đẩy nhanh giấy phép năng lượng tái tạo và có biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn. Các biện pháp đó bao gồm điều kiện EU sẽ đình chỉ áp giá trần ngay lập tức nếu nó gây hậu quả tiêu cực đối với nguồn cung khí đốt hoặc mức sử dụng khí đốt tăng vọt.

Hai quan chức EU cho biết chỉ có Hungary bỏ phiếu chống lại mức giá trần. Hà Lan và Áo bỏ phiếu trắng. Cả hai nước đã phản đối mức giá trần trong các cuộc đàm phán, vì lo ngại nó có thể phá vỡ thị trường năng lượng và làm tổn hại đến an ninh năng lượng của châu Âu.

Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, châu Âu đã đối mặt khủng hoảng năng lượng vì giá khí đốt tăng vọt và nguồn cung hạn chế.

Tình trạng này làm rung chuyển các công ty năng lượng trên khắp châu Âu, buộc các bên phải huy động thêm nguồn tài chính từ các chính phủ và ngân hàng để đáp ứng các lệnh gọi ký quỹ. Tập đoàn năng lượng Uniper của Đức đã ghi nhận khoản lỗ hàng tỷ USD vì họ vội vàng lấp đầy khoảng trống sau khi Nga cắt giảm nguồn cung.

Tin liên quan

Đọc tiếp