Châu Âu thiệt hại 1.000 tỷ USD vì ngừng nhập khẩu khí đốt Nga

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
08:45 - 19/12/2022
Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Châu Âu được ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD do chi phí năng lượng tăng cao sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ mà lục địa già phải đối mặt chỉ mới bắt đầu.

Theo Bloomberg, sau mùa đông năm nay, các kho chứa khí đốt ở châu Âu sẽ trống rỗng và các nước tại khu vực này phải nạp thêm khí đốt dự trữ mà không có hoặc có rất ít nguồn cung từ Nga.

Ngay cả khi châu Âu có thêm nhiều cơ sở để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thì thị trường dự kiến sẽ vẫn khan hiếm ít nhất đến năm 2026, khi Qatar và Mỹ có thể tăng đủ sản lượng. Điều này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các tàu chở nhiên liệu, khiến giá khí đốt cao sẽ tiếp diễn tại đây.

Các nhà phân tích của Bloomberg dự báo nếu giá khí đốt tự nhiên ở Liên minh châu Âu (EU) tăng lên mức 210 Euro (222 USD)/MWh, khối này sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Châu Âu thiệt hại 1.000 tỷ USD vì ngừng nhập khẩu khí đốt Nga ảnh 1

Châu Âu tung các khoản hỗ trợ giúp người tiêu dùng vượt qua tình trạng giá năng lượng tăng đột biến. Nguồn: Bruegel, Bloomberg

Theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), ngay cả khi các chính phủ có thể giúp các công ty và người tiêu dùng giảm bớt sự ảnh hưởng thông qua các khoản hỗ trợ trị giá 700 tỷ USD, thì tình trạng khẩn cấp vẫn có thể kéo dài trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, với lãi suất tăng và việc các nền kinh tế có khả năng đã suy thoái, những khoản hỗ trợ để giảm bớt thiệt hại cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Ông Martin Devenish, giám đốc công ty tư vấn S-RM, nhận định: "Một khi bạn cộng tất cả các khoản cứu trợ, trợ cấp thì đó là một số tiền lớn đến nực cười. Các chính phủ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng này vào năm tới".

Trong lúc này, khả năng tài chính của các chính phủ đang trong tình trạng căng thẳng. Khoảng một nửa số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có khoản nợ đã vượt quá giới hạn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối.

Bloomberg tính toán từ dữ liệu thị trường cho thấy người tiêu dùng và các công ty đã phải trả thêm khoảng 1 nghìn tỷ USD do giá năng lượng đắt đỏ hơn, cũng như không phải tất cả đều được bù đắp bằng các gói hỗ trợ. Tổ chức tư vấn Bruegel cũng đưa ra một con số ước tính tương tự khi xem xét nhu cầu và sự gia tăng về giá cả và đã được IMF công bố trong một báo cáo trong tháng này.

Trong khi đó, trong cuộc họp tại Brussels vào tuần trước, các bộ trưởng năng lượng EU đã không thống nhất được việc đưa ra mức giá trần khí đốt Nga và quyết định cần tiếp tục thảo luận vấn đề này vào ngày 19/12.

Đọc tiếp