EU và Bỉ ban hành các quy định cá biệt mới trong nhập khẩu nông sản, thực phẩm

XUẤT KHẨU Bỉ-EU
13:06 - 23/11/2021
Bỉ, EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước đối tác trong nhập khẩu nông sản, thực phẩm tăng cường chính sách EGD
Bỉ, EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước đối tác trong nhập khẩu nông sản, thực phẩm tăng cường chính sách EGD
0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, giảm thiểu các sản phẩm có quy trình sản xuất hóa học là những quy định mới nhất của EU và Bỉ trong nhập khẩu nông sản, thực phẩm.

EU và Bỉ là những thị trường lớn đối với xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam với nhiều sản phẩm có thế mạnh và được hưởng ưu đãi thuế quan lớn.

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang EU với hàng loạt mặt hàng thủy sản đang trên lộ trình xóa bỏ 100% thuế quan trong vòng 07 năm. Trong đó, cá basa đang hưởng ưu đãi thuế quan GPS ở mức 4,5% loại nguyên con tươi đông lạnh và 5,5% loại phile tươi; tôm có GPS từ 4,2% về 0%.

Điều này giúp tôm Việt Nam chiếm lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trước mặt hàng cùng loại đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador chịu thuế 12%, Ấn Độ và Indonesia chịu thuế 4,2%.

Cơ hội cũng dành cho các sản phẩm chế biến khi mực, bạch tuộc đông lạnh được giảm thuế từ 6% - 8% về 0%, chả cá surimi từ 14,2% về 0%, cá biển khác từ 7,5% về 0%...

EVFTA có hiệu lực sẽ xoá bỏ 86,5% kim ngạch trong vòng 3 năm và 90,3% trong 5 năm và 100% trong vòng 7 năm đối với thuỷ sản Việt Nam. EU cũng cấp hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ và 500 tấn cá viên cho Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của EU là 24,5kg/người/năm. Hàng năm, khối thị trường này nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD giá trị từ ngoại khối đối với mặt hàng này.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 130 triệu Euro rau, củ, quả sang thị trường EU, chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này (35 tỷ Euro/năm).

Phân tích cơ hội và thách thức cạnh tranh của các sản phẩm Việt, tại phiên tư vấn “Xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường EU và Bỉ”, chiều 22/1, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại tại Bỉ và EU chia sẻ về những quy định cá biệt mới tại hai thị trường này cần các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt lưu ý.

Ông Quân cho biết, trong năm 2021, EU và Bỉ đã đưa ra một số quy định cá biệt mới đối với việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ Việt Nam. Hai nội dung quan trọng là: coi các sản phẩm tổng hợp được xem như là sản phẩm động vật, cần được đăng ký và phê duyệt; và nâng tần suất kiểm tra đối với các sản phẩm có hàm lượng bảo vệ thực vật như rau gia vị của Việt Nam lên 50% và thanh long lên 10%.

Các thị trường này cũng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn chính sách Green Deal (EGD) trong nông nghiệp. EGD xuất phát từ Thỏa thuận Xanh châu Âu được khởi động từ 2019, là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế.

"Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường Bỉ và EU sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Bỉ và EU cần hiểu rõ các chính sách EGD sẽ tạo ra những tác động gì và chuẩn bị đối phó với những tác động đó," ông Quân nói.

Cụ thể, EGD bao gồm các tiêu chuẩn: Không gây ô nhiễm môi trường, không chất độc hại, cung cấp năng lượng sạch, giá cả hợp lý và an toàn, bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, thúc đẩy nền kinh tế sạch và bền vững, hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường…

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại tại Bỉ và EU
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại tại Bỉ và EU

Bên cạnh đó, EU và Bỉ cũng rất coi trọng chính sách Farm to Fork (từ nông trại đến bàn ăn). Chính sách này đặt ra 5 mục tiêu chính vào năm 2030 hướng đến giảm dần các sản phẩm hóa học và tăng dần các sản phẩm sinh học.

Chiến lược này trung vào các nội dung: Giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50%, giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%, giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trang trại, chuyển đổi 25% diện tích đất nông nghiệp sang sản xuất hữu cơ.

"Để đảm bảo công bằng, Bỉ và EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước đối tác trong xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm cũng phải tiến hành tương tự, nếu không họ sẽ đánh thuế môi trường, thuế carbon. Đây là vấn đề các doanh nghiệp cần nghiêm túc nghiên cứu khi muốn tiếp cận thị trường EU và Bỉ lâu dài", ông Quân cho biết.

Những lưu ý khi tiếp cận thị trường EU và Bỉ

Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cũng đưa ra về những lưu ý tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp, tập trung vào 3 quy định chính gồm: Luật Thực phẩm Chung, bao bì đóng gói và dư lượng sản phẩm.

Đối với với hàng nông sản thực phẩm, ông Quân đánh giá, hầu hết quy định của EU và các nước thành viên là tương đồng nhau. Các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến hai khía cạnh. Thứ nhất là Luật Thực phẩm Chung, quy định tất cả thực phẩm được bán trên thị trường EU phải đảm bảo an toàn.

Thứ hai là quy định luật hạn chế các chất, hóa chất và chất gây ô nhiễm, tồn dư. Quy định này đặt ra các giới hạn đôi khi dưới dạng danh sách các chất có thể được sử dụng trong một số sản phẩm. Chúng thường không áp dụng cho các thành phẩm cuối cùng, mà cho các chất cụ thể có trong sản phẩm đó.

Điều này có nghĩa là nếu bất cứ thành phẩm nào trong sản phẩm có chứa bất kỳ chất bị hạn chế, hóa chất hoặc chất gây ô nhiễm nào, thì nó phải nằm trong giới hạn được đặt ra cho chất đó.

Quy định dư lượng được xác định bằng Giấy chứng nhận kiểm dịch bắt buộc:

1. Đảm bảo sản phẩm nhập khẩu vào đáp ứng quy định của EU

2. Hàng hóa phù hợp với giấy chứng nhận

3. Hàng hóa không có các loại sinh vật gây hại.

5 loại sản phẩm được miễn kiểm dịch: dứa, dừa, chuối, sầu riêng, chà là.

Đối với rau quả hộp cắt sẵn yêu cầu bổ sung các quy định về an toàn thực phẩm, quy định về các vi sinh vật như ecoli, samollela: quy định EU 1881/20026 và 2073/2005.

EU và Bỉ cũng là những thị trường có quy định nghiêm ngặt về bao bì, đóng gói sản phẩm. Tiêu chuẩn một vỏ bao bì đúng quy cách cần có thông tin về khối lượng tịnh; ngày có độ bền tối thiểu, bao gồm ngày, tháng và năm, đứng trước các từ “tốt nhất trước đó” hoặc “tốt nhất trước khi kết thúc” hoặc “ngày sử dụng trước” thay vì chỉ ghi "hạn sử dụng" như trước đây.

Bao bì phải ghi người bán sản phẩm ở EU (tên hoặc tên doanh nghiệp, địa chỉ của nhà sản xuất, đóng gói hoặc người bán được thành lập ở EU); số phê duyệt của EU và số lô được cấp cho các sản phẩm; các thông số về thành phần và giá trị dinh dưỡng.

Đánh giá cao thông tin mà Tham tán Trần Ngọc Quân cung cấp, bà Nguyễn Minh Liên, Tổng giám đốc Công ty Vinamex cho biết, doanh nghiệp Việt Nam còn chưa chú trọng an toàn thực phẩm và còn nhiều lúng túng trong các thủ tục, quy định làm hợp đồng khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang EU và Bỉ.

Với kinh nghiệm của một đơn vị thu mua hàng hoá nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và Bỉ được 8 năm, bà Liên nhận định, khâu bảo quản của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU còn chưa được tốt.

“Hàng đến cảng còn tươi mới tuy nhiên hàng lên đến kệ siêu thị thì không còn được giữ nguyên vẹn về chất lượng cũng như hình dạng. Do đó, cần chú ý hơn các khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm và kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng, điều khoản hợp đồng để tránh thất thoát, thiệt hại cho các bên”, bà Liên nói.

Từ thực tế kinh doanh, bà Nguyễn Minh Liên chia sẻ, siêu thị lớn tại EU không nhập khẩu trực tiếp hàng hoá từ Việt Nam, do vậy để đưa hàng hoá vào thị trường này, doanh nghiệp trong nước nên hợp tác với nhà nhập khẩu EU cho phép ký gửi hàng hoá tại kho.

Thông tin thêm về nhu cầu thị trường của EU trong thời gian này, bà Liên cho biết, các siêu thị lớn của châu Âu đang tìm những nguồn hàng ưu tín, có tiềm lực để tiến hành các chương trình tuần hàng châu Âu, đây chính là cơ hội cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.