Gạo thơm Việt Nam chinh phục thị trường khó tính EU

xuất nhập khẩu Việt Nam EU
13:00 - 05/09/2020
Gạo thơm Việt Nam chinh phục thị trường khó tính EU. Ảnh minh họa
Gạo thơm Việt Nam chinh phục thị trường khó tính EU. Ảnh minh họa

Ngày 04/09/2020, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (EU).

Nghị định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo sang EU mỗi năm với thuế suất 0%.

Cụ thể, các chủng loại gạo thơm được hưởng các ưu đãi về hạn ngạch thuế quan bao gồm: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào.

EU yêu cầu gạo thơm xuất khẩu sang EU để được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống. Do vậy, để đảm bảo độ thuần, tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, việc kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch là rất cần thiết.

Điều kiện để các chủng loại gạo thơm này được chứng nhận là phải được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng.

Gạo thơm Việt Nam chinh phục thị trường khó tính EU. Ảnh: Nguồn JFP

Gạo thơm Việt Nam chinh phục thị trường khó tính EU. Ảnh: Nguồn JFP

Theo Nghị định 103/2020/NĐ-CP, lô ruộng lúa thơm được kiểm tra 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và được lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định. Phương pháp kiểm tra độ thuần giống lúa thơm theo quy định. Mỗi lô ruộng lúa thơm kiểm tra được ghi Mã hiệu.

Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng được công nhận theo quy định tại Điều 21 Luật Trồng trọt và Điều 7 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác thực hiện kiểm tra lô ruộng lúa thơm.

Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm là Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Gạo thơm Việt Nam chinh phục thị trường khó tính EU. Ảnh minh họa

Gạo thơm Việt Nam chinh phục thị trường khó tính EU. Ảnh minh họa

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo rà soát lại danh mục giống lúa thơm đang trồng phổ biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của EU để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất.

Với Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 03-05 năm.

Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết năm 2021.

Diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy (tương đương khoảng 1 triệu ha), sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm.

Trong khi đó, theo Hiệp định EVFTA, lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30 nghìn tấn tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng; do vậy, tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

Để sẵn sàng trước những cơ hội lớn sau khi Hiệp định EVFTA được thông qua và trực tiếp là Nghị định 103/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị hạt gạo nói chung và các thương nhân xuất khẩu gạo nói riêng cần nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU.

Hồ sơ đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm bao gồm:

Đơn đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm (quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này).

Kê khai đầy đủ thông tin vào Mẫu Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm (quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này).

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm theo mẫu (quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này).

Văn bản thỏa thuận chuyển giao Biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm trong trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm không đứng tên trong Biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm.

Tin liên quan

Đọc tiếp