Giá hồ tiêu tiếp tục đà phục hồi, lấy lại vị thế xuất khẩu tỷ đô

Hồ Tiêu Việt nAM
07:43 - 21/02/2022
Vụ mùa năm 2022 tại Việt Nam sẽ tương tự như năm 2021. Ảnh: Internet
Vụ mùa năm 2022 tại Việt Nam sẽ tương tự như năm 2021. Ảnh: Internet
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia ngành hồ tiêu nhận định, sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục giảm 10% xuống còn 188.000 tấn, tạo ra đà tăng giá cho loại nông sản này ở mức 100.000đồng/kg.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu sẽ sụt giảm

Triển vọng thị trường trong năm 2022 được một số đơn vị kinh doanh trong ngành hồ tiêu đưa ra dự báo. Trong đó, Nedspice cho rằng vụ thu hoạch hồ tiêu tại Việt Nam năm 2022 sẽ bắt đầu muộn hơn vài tuần so với mọi năm và cao điểm thu hoạch sẽ vào khoảng tháng 3 đến tháng 5. Các điều kiện thời tiết khác nhau giữa các khu vực dẫn đến chênh lệch về sản lượng tại các vùng sản xuất trọng điểm.

Nedspice ước tính vụ sản xuất năm 2022 của Việt Nam tiếp tục giảm 10% xuống còn 188.000 tấn. Sản lượng giảm ở Việt Nam sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng ở các nước sản xuất khác như: Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (PTEXIM Corp) dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu ở mức 533.000 tấn trong năm 2022, giảm nhẹ so 538.000 tấn của năm 2021. Trong đó, sản lượng của Việt Nam giảm 10 - 15% so với năm trước xuống còn 200.000 tấn; sản lượng của Ấn Độ giảm xuống còn 60.000 tấn; Indonesia là 50.000 tấn; riêng Brazil tăng 10 - 15% lên mức 105.000 tấn.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam và một số nước sản xuất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá tiêu xuống thấp trong giai đoạn 2018 - 2020 khiến nông dân giảm đầu tư, chăm sóc dẫn đến diện tích và năng suất giảm. Đồng thời tác động của dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng thiếu nhân công. Sản lượng giảm cũng kéo theo lượng hàng tồn kho giảm theo.

Tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu được PTEXIM Corp ước tính khoảng 525.000 tấn, tăng 3 – 5% so với năm 2021. Như vậy, cán cân cung cầu theo dự kiến của PTEXIM Corp là khá cân bằng và điều này sẽ hỗ trợ giá hồ tiêu trong năm 2022 - 2023.

Còn theo Olamspices, vụ mùa năm 2022 tại Việt Nam sẽ tương tự như năm 2021 nếu điều kiện thời tiết vẫn ổn định trong vài tháng tới. Năm 2021 sản lượng của Việt Nam thấp hơn 8% so với vụ năm 2020 đã đẩy giá tăng hơn 60%, mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân. Tuy nhiên, giá của các loại cây trồng khác cũng cao kỷ lục trong những năm gần đây nên việc chuyển đổi diện tích sang cây tiêu là khó xảy ra.

Dự báo đà tăng giá tiêu năm 2022

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, năm 2021 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hồ tiêu Việt Nam sau 4 năm chật vật. Ngoài ra, thời tiết bất lợi cũng làm giảm sản lượng hồ tiêu của Việt Nam. Ngay từ đầu năm, giá hồ tiêu đã tăng 40 - 44%, từ 51.000 – 53.000 đồng/kg thời điểm giữa tháng 2 lên 76.000 – 79.500 đồng/kg vào ngày 19/3 dù đang trong vụ thu hoạch hồ tiêu.

Tính đến thời điểm cuối năm 2021, giá tiêu đen trong nước dao động từ 79.500 – 82.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 90.000 đồng đạt được vào cuối tháng 10 và mức kỳ vọng 100.000 đồng/kg. Tuy vậy năm 2021 vẫn là một năm khởi sắc của thị trường hồ tiêu Việt Nam, chuỗi giảm giá kéo dài 4 năm liên tiếp đã kết thúc và một chu kỳ tăng giá mới đã được báo hiệu trong ngành hồ tiêu.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành hồ tiêu, giá tiêu năm 2022 khó có thể trở lại mức đỉnh cao như thời kỳ hoàng kim nhưng mức giá 100.000 đồng/kg có thể đạt được và ngành tiêu sẽ sớm lấy lại vị thế xuất khẩu tỷ đô. Thời điểm hiện tại vụ thu hoạch của Việt Nam mới bắt đầu, thị trường vẫn khá trầm lắng. Tuy nhiên, thị trường được cho là sẽ sôi động hơn và giá có thể tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Về triển vọng thị trường, VPA cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong những năm tới. Hồ tiêu của Việt Nam đang được thị trường Mỹ khá ưa chuộng với lượng nhập khẩu tăng liên tục trong những năm gần đây bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Còn tại EU, với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).

Trong thời gian tới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội để phát triển ngành chế biến hồ tiêu, khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.

Bên cạnh đó, việc hồ tiêu Brazil xuất khẩu sang EU có những hạn chế nhất định do các vấn đề liên quan đến vi khuẩn Salmonella cũng mở ra cơ hội để Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường EU.

Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc có thể tiếp tục không thuận lợi. Thời gian qua, chính sách “Zero covid” của Trung Quốc đã gây nhiều bất lợi đối với các hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này tại các tỉnh biên giới đất liền, gây ùn ứ cục bộ. Trong khi đó, hồ tiêu cũng là một trong những mặt hàng nông sản được xuất khẩu chủ yếu bằng đường bộ qua cửa khẩu Chi Ma – Lạng Sơn.

Ngoài ra, việc giá cước vận chuyển đi châu Âu và Mỹ ở mức cao, tình trạng thiếu container rỗng, tắc nghẽn tại các cảng biển trên thế giới cũng sẽ là mối lo ngại đối với xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam năm 2022. Theo đánh giá của các chuyên gia, để duy trì được mức giá cao trong những năm tiếp theo việc kiểm soát sự gia tăng về nguồn cung là một trong những yếu tố then chốt.

Theo VPA, năm 2022, giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục do nhu cầu thị trường tăng lên trong khi nguồn cung thế giới dần thu hẹp, đặc biệt là tại Việt Nam do người dân giảm đầu tư vào cây hồ tiêu trong khoảng thời gian giá xuống thấp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các số liệu liên quan đến diện tích, sản lượng hồ tiêu trong nước vẫn đang cho thấy sự thiếu đồng nhất giữa Hiệp hội và các cơ quan thống kê. Vì vậy, cần sớm tiến hành rà soát lại diện tích và sản lượng hồ tiêu trên cả nước để đánh giá lại thực trạng ngành hồ tiêu.

Bên cạnh đó, VPA khuyến nghị nông dân cần thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, có đầu ra bền vững. Theo ghi nhận tại một số địa phương, sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ không lo về giá cả và đầu ra khi luôn được các đối tác nước ngoài thu mua với giá cao hơn so với tiêu sản xuất thông thường.

Xây dựng thương hiệu cũng là điều mà ngành hồ tiêu cần chú trọng trong thời gian tới. Mặc dù đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu nhưng đến nay hồ tiêu của Việt Nam vẫn chưa được biết đến tại nhiều thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.