Gia thời hạn ưu đãi giá FIT cho các nhà máy điện gió

DOANH NGHIỆP Việt nAM
09:21 - 09/11/2021
Nhà máy điện mặt trời Mũi Né và Điện gió Đại Phong ở Bình Thuận
Nhà máy điện mặt trời Mũi Né và Điện gió Đại Phong ở Bình Thuận
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc xem xét gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió ưu đãi đến hết ngày 31/3/2022 có thể xem là một giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.

Như Mekong Asean đã đưa tin, đến cuối tháng 10/2021, tổng số 84 nhà máy điện gió đã kịp công nhận COD và thực hiện hòa lưới điện quốc gia, 4 dự án đã hòa lưới nhưng chưa hoàn thành thử nghiệm và 58 dự án không kịp vận hành.

Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/09/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam đã quy định giá ưu đãi (giá FIT) cho điện gió trên biển là 9,8 cents/kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cents/ kWh (khoảng 1.927 đồng), được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Và như vậy, 62 dự án nói trên sẽ phải chuyển sang cơ chế giá đấu thầu. Cơ chế này đang được Bộ Công Thương hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đề nghị của Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió ưu đãi đến hết ngày 31/3/2022, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid – 19.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng “Đây cũng có thể xem là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”.

Đây là một tín hiệu rất tích cực, tháo gỡ nút thắt “bế tắc” về giải pháp cho các doanh nghiệp điện gió không kịp vận hành đúng thời hạn trước ngày 1/11/2021.

Các nhà máy Điện gió thật sự cần hỗ trợ về thời gian

TS. Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Chủ tịch Cộng đồng năng lượng tái tạo tỉnh Bến Tre, Tổng giám đốc Công ty điện gió Sunpro cho biết, các dự án điện gió đều gặp vướng mắc trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng. Có dự án không triển khai được do nhiều hộ dân đưa ra giá đền bù đất tùy hứng hoặc người dân chưa đồng thuận về khoảng cách địa lý.

Ngoài ra, đối với các dự án điện gió trên biển yêu cầu công nghệ và giải pháp kỹ thuật, thi công phức tạp nên thời gian chuẩn bị dự án, thi công cũng như việc đáp ứng các quy định trên biển phức tạp hơn so với điện gió trên bờ.

Thời gian qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến việc cung cấp turbin bị trì hoãn (hầu hết các hãng sản xuất turbin có nhà máy đặt tại Trung Quốc) và các chuyên gia người nước ngoài chưa thể đến làm việc đúng như kế hoạch. Chưa kể, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, không đủ nhân lực cho thi công, mặc dù hầu hết các dự án đều cố gắng chạy hết năng lực để kịp đến hạn.

Đây là những nguyên nhân đã khiến nhiều dự án chậm từ 4-6 tháng. Theo TS. Hoàng Giang, các doanh nghiệp làm điện gió từ Quảng Trị đến Cà Mau nói chung và doanh nghiệp điện gió tại Bến Tre nói riêng đã trải qua tình trạng kiệt quệ vì dịch Covid-19. Nếu không được hưởng giá FIT thì nhiều doanh nghiệp có thể sẽ vỡ phương án tài chính, thậm chí dẫn đến phá sản, kể cả doanh nghiệp nước ngoài.

“Thiệt hại do dịch bệnh gây ra là rất lớn cho các tỉnh phía Nam. Bởi vì đã có ít nhất 5 tháng gián đoạn tê liệt mọi hoạt động. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải lo các chi phí để duy trì nhân sự, máy móc vật tư, lãi ngân hàng, phí phạt các loại do chậm bàn giao mặt bằng, chậm nhận hàng, chậm thi công,…

Tuy nhiên, tất cả những điều đó không tính là gì khi so sánh với việc không gia hạn áp giá FIT. Dự án sẽ không thể tiếp tục do ngân hàng không cho vay vì dự án không có đầu ra, doanh nghiệp phá sản hoặc thua lỗ nặng nề, đầu tư xã hội lãng phí.

Và quan trọng hơn nữa là vấn đề niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế cũng như chính phủ các nước đối với sự phát triển năng lượng tái tạo, chính sách bảo vệ môi trường, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu và các cam kết của Chính phủ Việt Nam”, TS. Hoàng Giang chia sẻ.

Nhà máy điện gió SunPro - Bến Tre 8 công suất 30MW, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre

Nhà máy điện gió SunPro - Bến Tre 8 công suất 30MW, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre

Trong số 62 nhà máy trên, hiện có ít nhất là 37 dự án đang thi công dở dang. Nhà máy điện gió Sunpro là một trong sáu dự án trọng điểm ở tỉnh Bến Tre, có công suất 30MW. Chủ đầu tư đã bỏ vốn gần 1,000 tỉ đồng và dự án này cũng nằm trong số các nhà máy không kịp thời hạn COD.

Cũng theo TS. Hoàng Giang, nếu bây giờ điện gió “bí” về chính sách, phải dừng dự án vì không có đầu ra thì tất cả sẽ biến thành đống sắt vụn và công trường hoang, nhà đầu tư mất trắng 1,000 tỷ đồng trên.

Vì vậy, thông tin được gia hạn thời gian để hưởng ưu đãi giá FIT sẽ là động lực quan trọng để các chủ đầu tư dự án điện gió tập trung tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trong năm, góp phần phục vụ, phát triển kinh tế - xã hội tại những địa phương có dự án.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.