Giảm phát thải khí nhà kính từ việc phục hồi rừng ngập mặn

NÔNG NGHIỆP rừng ngập mặn
23:15 - 21/11/2023
Giảm phát thải khí nhà kính từ việc phục hồi rừng ngập mặn
0:00 / 0:00
0:00

Theo chuyên gia UNDP, hệ sinh thái rừng ngập mặn lưu trữ khoảng 6,4 tỷ tấn carbon trên toàn cầu. Do đó, việc phát triển rừng ngập mặn sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Ngày 21/11, tại Thừa Thiên Huế, Bộ NN&PTNT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Với chiều dài 3.260 km đường biển, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với đa dạng sinh học cao.

Việt Nam hiện có hơn 160.000 ha rừng ngập mặn, tại 28 tỉnh/thành phố, trong đó vùng Nam Bộ, Đồng Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ chiếm khoảng 97%, còn lại là các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Rừng ngập mặn góp phần ứng phó biến đổi khí hậu

Tại sự kiện, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, hệ thống rừng về lâm nghiệp là hệ thống hấp thụ Co2, trong đó rừng ngập mặn được đánh giá là hệ thống có sự hấp thụ carbon tốt nhất. Điều này càng được Việt Nam quan tâm khi cam kết với quốc tế phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong 5 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trước tình hình này, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là hệ thống rừng ven biển (bao gồm rừng ngập mặn), với Quyết định 120/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Chính phủ cũng ban hành nghị định 119/2016/NĐ-CP về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo ông Triệu Văn Lực, từ những chính sách đưa ra, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, sự phối hợp với các tổ chức hợp tác quốc tế, hệ thống rừng ngập mặn của Việt Nam nói chung đã tăng và phát triển rất tốt.

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực phát biểu tại sự kiện. Ảnh: UNDP

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực phát biểu tại sự kiện. Ảnh: UNDP

Nói rõ hơn về vai trò của rừng ngập mặn trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, bà Clea Paz-Rivera, cán bộ quản lý cấp cao phụ trách nhóm biến đổi khí hậu của UNDP cho rằng, mặc dù chỉ chiếm 2% tổng diện tích đại dương nhưng hệ sinh thái ven biển chiếm khoảng 50% tổng lượng carbon cô lập trong trầm tích đại dương. Chỉ riêng hệ sinh thái rừng ngập mặn đã lưu trữ khoảng 6,4 tỷ tấn carbon trên toàn cầu.

Theo bà Clea Paz-Rivera, bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn có tiềm năng lớn để trở thành một giải pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC - đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu).

Để phát huy tối đa tiềm năng của hệ thống rừng ngập mặn, bà Clea Paz-Rivera cho rằng cần chú ý đến 5 điểm. Bao gồm, phối hợp liên ngành giữa các cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm về rừng ngập mặn. Hài hòa hóa việc thu thập dữ liệu, phương pháp luận và giám sát giữa các đơn vị về khí hậu, đa dạng sinh học và ven biển. Sự tham gia của cộng đồng xuyên suốt các sáng kiến bảo tồn và phục hồi.

Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý để tạo cơ chế ưu đãi và hạn chế chuyển đổi bất hợp pháp. Tận dụng các ưu đãi tài chính từ thị trường carbon và chuỗi giá trị bền vững.

Kinh nghiệm từ các quốc gia láng giềng về phát triển rừng ngập mặn

Là quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, Sri Lanka đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển rừng ngập mặn. Bà Sujeewa Fernando - Vụ trưởng Vụ Đa dạng Sinh học, Bộ Môi trường Sri Lanka cho biết tại hội thảo, theo ước tính đến năm 2021, Sri Lanka có gần 19.738 ha rừng ngập mặn.

Năm 2018, Sri Lanka đã cam kết đi đầu trong công tác phục hồi rừng ngập mặn tại Hội nghị các nguyên thủ khối thịnh vượng chung được tổ chức tại London. Để thực hiện cam kết đã đề ra, quốc gia này đã đưa ra chính sách Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn vào năm 2020.

Sri Lanka và Indonesia đã đề ra các đề án, chính sách nhằm hồi phục diện tích rừng ngập mặn. Ảnh minh họa

Sri Lanka và Indonesia đã đề ra các đề án, chính sách nhằm hồi phục diện tích rừng ngập mặn. Ảnh minh họa

Sri Lanka đã phê duyệt Nội các đặc biệt cho hoạt động phục hồi rừng ngập mặn vào năm 2019 nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn hiện có cũng như phục hồi đất rừng ngập mặn bị bỏ hoang dùng làm các trang trại nuôi tôm và ruộng muối. Quốc gia này còn tận dụng đất từ một số ruộng lúa bị bỏ hoang gần rừng ngập mặn ven biển… để phục hồi rừng ngập mặn.

Trong vấn đề hợp tác quốc tế, Sri Lanka và Indonesia cùng đệ trình Nghị định về “Quản lý bền vững vì sức khỏe toàn cầu của rừng ngập mặn” và được thông qua tại Hội nghị của Đại hội đồng môi trường Liên hợp quốc vào năm 2019.

Trong khi đó, là quốc gia đã mất 800.000 ha rừng ngập mặn trong vòng 30 năm (kể từ những năm 1980) do phá rừng, khai thác gỗ và ao cá, Indonesia đã đặt mục tiêu hồi phục 600.000 ha rừng ngập mặn vào năm 2024. Theo bà Erna Ika Rahayu (thuộc Cơ quan Phục hồi Rừng ngập mặn và đất than bùn Indonesia), phục hồi rừng ngập mặn không chỉ là trồng cây. Do đó, Indonesia đã nỗ lực tăng cường chính sách và khung pháp lý phù hợp với điều kiện tại địa bàn và tri thức địa phương.

Thúc đẩy lợi ích rừng ngập mặn có khả năng cải thiện kinh tế cộng đồng đối với cả các lâm sản ngoài gỗ và dịch vụ môi trường. Nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng trong quản lý rừng ngập mặn. Tăng năng suất rừng ngập mặn thông qua phát triển kỹ thuật;

Thiết lập, cải thiện, tăng cường hợp tác cả trong và ngoài nước để phục hồi rừng ngập mặn. Tăng cường các nỗ lực thực thi pháp luật công bằng và minh bạch.

Đọc tiếp