TS.Cấn Văn Lực: Chính sách hỗ trợ là "phao cứu sinh" của hộ kinh doanh

CHÍNH SÁCH Việt nAM
23:39 - 15/10/2021
TS.Cấn Văn Lực: Chính sách hỗ trợ là "phao cứu sinh" của hộ kinh doanh
0:00 / 0:00
0:00
"Xây dựng luật hộ kinh doanh thế nào để có thể quản lý hiệu quả và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của thành phần kinh tế quan trọng này" là nội dung trao đổi giữa TS. Cấn Văn Lực và MEKONG ASEAN

Trao đổi với MEKONG ASEAN, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng về lâu dài, cần xây dựng luật hộ kinh doanh (HKD) để quản lý và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của HKD như một thành phần quan trọng trong nền kinh tế.

Chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh cho hộ kinh doanh sáng 15/10, ông nhận định HKD hiện là khu vực có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Vậy theo ông, cần làm gì về mặt chính sách để có thể phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, đóng góp của khu vực này?

Như tôi đã trình bày, Việt Nam hiện có 5,2-5,5 triệu HKD, với 1,7 triệu hộ đã đăng ký kinh doanh chính thức, còn lại hoạt động ở thị trường tự do. Đây là lực lượng đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, con số đóng góp cụ thể rơi vào khoảng hơn 30% GDP hàng năm, tuy nhiên lại ít có tiếng nói và chưa được công nhận tư cách pháp nhân, chưa có luật điều chỉnh cụ thể.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR cho thấy cái nhìn toàn cảnh về thực trạng HKD - một thành phần quan trọng của nền kinh tế. Hai năm qua, HKD là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, nhưng sức chống chịu của họ rất tốt. Mặc dù vậy, qua cơn đại dịch lần thứ 4, sức chống chịu của năm 2021 có giảm so với năm 2020.

Chính phủ cũng đang từng bước xây dựng các giải pháp hỗ trợ và phát huy tiềm năng HKD. Cộng đồng doanh nghiệp trong đó có các hộ kinh doanh cũng đã đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành sớm có cơ chế, chính sách mới thiết thực, thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và HKD, thuế giá trị gia tăng; miễn, giảm, hoãn các khoản đóng góp khác như công đoàn phí, miễn giảm lãi suất vay vốn ngân hàng và có cơ chế tiếp cận vốn từ ngân hàng và tổ chức tín dụng … Các chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời trong dịch bệnh sẽ thực sự là chiếc "phao cứu sinh" giúp doanh nghiệp và HKD khỏi "chết đuối" và tạo động lực để họ vươn lên phục hồi.

Do chưa được coi là đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân, vị thế kém hơn các doanh nghiệp, HKD gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các đơn vị quản lý hành chính Nhà nước và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình kinh doanh. Ông nghĩ sao về đề xuất thể chế hóa HKD?

Thực ra thì hai vấn đề thể chế hóa HKD hay khuyến khích HKD chuyển đổi nâng cấp lên thành doanh nghiệp cũng tương tự nhau mà thôi. Thể chế hóa HKD không phải bắt buộc, việc thể chế hóa nhằm xây dựng một hành lang pháp lý. Chẳng hạn như luật doanh nghiệp hiện nay, ai muốn lập doanh nghiệp thì đăng ký, nhìn từ luật đó mà áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Thì thể chế hóa HKD cũng vậy, về lâu dài, ta nên có một luật HKD, như mô hình của Trung Quốc đã xây dựng, để quản lý và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của HKD như một thành phần quan trọng trong nền kinh tế.

Trước mắt trong giai đoạn quá độ, Đảng nên có nghị quyết, Chính phủ triển khai để khuyến khích chuyển đổi HKD thành doanh nghiệp. Sau một thời gian, ta có thể đánh giá thực trạng để tiến tới luật hóa. Luật hóa chẳng qua là để đảm bảo HKD không bị thiệt thòi so với các khu vực kinh tế khác, nhưng như tôi đã nói, quyền lợi luôn đi kèm trách nhiệm.

Trong thời gian chờ xây dựng cơ sở pháp lý để hỗ trợ HKD, có giải pháp tình thế nào để đảm bảo quyền lợi của HKD không, thưa ông?

Thực tế tôi đánh giá chúng ta không quá vướng mắc trong chính sách hỗ trợ HKD. Quốc hội đã đồng ý cho Chính phủ thông qua những cơ chế hỗ trợ trong các tình huống đặc biệt. Chính phủ cũng đã có một số nghị quyết, chẳng hạn Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7 về hỗ trợ HKD.

Sở dĩ tôi nói đây không phải vấn đề quá bế tắc, bởi ta có thể coi HKD không phải doanh nghiệp nhưng là một đối tượng cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Để hỗ trợ hiệu quả hơn, sát thực tiễn hơn, các gói hỗ trợ nên chia nhóm theo lĩnh vực hơn là tư cách pháp nhân. Chẳng hạn lĩnh vực du lịch, ăn uống, lưu trú…. Hoặc chia theo địa bàn để xem mức độ bị ảnh hưởng. Ta đã có vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ…, đó cũng có thể sử dụng làm tiêu chí để định hướng hỗ trợ HKD.

Báo cáo nghiên cứu Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất kinh doanh cho HKD Việt Nam chỉ ra rằng trong những năm qua, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã rất nỗ lực và tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho HKD. Tuy nhiên kết quả khảo sát hơn 1.000 HKD cho thấy việc tháo gỡ khó khăn và tác động của nó tới hiệu quả kinh doanh của các HKD chưa được cao như kỳ vọng. Vì sao có hiện tượng này, thưa ông?

Đây cũng là một bất cập mà chúng ta cần tính đến trong việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến HKD.

Theo tôi, vấn đề nằm ở mối quan hệ giữa HKD và chính quyền địa phương. Nhiều HKD vẫn cho mình là cá thể, cá nhân, mối liên hệ với chính quyền như việc đăng ký kinh doanh hay nộp thuế là hạn chế. HKD hiện nay phần nhiều nộp thuế dưới hình thức thuế khoán. Điều này không chỉ làm quan hệ giữa chính quyền với HKD thiếu chặt chẽ, mà còn làm giảm tác động điều chỉnh của chính sách từ chính quyền đến HKD, dẫn đến hiệu quả tháo gỡ khó khăn không đạt kỳ vọng.

Vậy theo ông, làm thế nào để giải quyết tình trạng thuế khoán?

Thuế khoán là thỏa thuận thuế giữa cán bộ thuế với HKD về khoản thuế nộp mỗi tháng. Khoản thuế này được đưa ra tuỳ thuộc vào cán bộ thuế, dẫn đến mang tính chất cảm tính, thiếu minh bạch và không đảm bảo nguồn thu ngân sách thuế. Đây chính là hiện tượng tham nhũng vặt xuất hiện phổ biến ở nhiều địa phương.

Trong dài hạn, tôi cho rằng cũng cần tính đến việc sớm hạn chế tình trạng này. Biện pháp có thể bao gồm nâng cấp HKD lên thành doanh nghiệp siêu nhỏ, khi đó vấn đề thuế sẽ có cơ sở pháp lý cụ thể rõ ràng. Hoặc các cơ quan thuế, chính quyền địa phương phải trực tiếp vào cuộc để chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.