Hà Nội sẽ đưa sản phẩm OCOP lên Tik Tok

OCOP HÀ NỘI
18:19 - 30/08/2022
Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội và TikTok sẽ giúp nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP của Hà Nội.
Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội và TikTok sẽ giúp nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP của Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Với xu hướng Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí), TikTok Shop tại thị trường Việt Nam đang được coi là một giải pháp sáng tạo mang đến hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các chủ thể OCOP.

Thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, thành phố đang xây dựng kế hoạch chương trình hợp tác với TikTok. Theo đó, Hà Nội sẽ lựa chọn một số chủ thể OCOP có đủ tiềm năng, mà sản phẩm số lượng đủ lớn để cho một đội ngũ chuyên nghiệp của TikTok đào tạo chính thống, bán hàng qua TikTokshop.

Dự kiến ngày 31/8 tại sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội và TikTok sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác chính thức nhằm mang đến bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội.

Theo kế hoạch, các sản phẩm OCOP dạng khô, chế biến sâu sẽ được ưu tiên trước tiên. Đó cũng là cơ hội để thúc đẩy những chủ thể OCOP khác hiện vẫn chỉ quen bán hàng thô, tươi sống phải chuyển sang đầu tư cho chế biến sâu.

Nếu thông thường, TikTok thanh toán theo kiểu T+ nghĩa là phải sau khoảng 15 - 17 ngày mới nhận được tiền nhưng riêng kênh phân phối các sản phẩm OCOP của Hà Nội sẽ được phối hợp với một đơn vị để đối ứng tiền trước, 3 ngày sau khi bán hàng có thể chủ thể OCOP đã nhận được tiền.

Còn những chủ thể OCOP cỡ vừa và nhỏ, sắp tới Hà Nội sẽ bàn với hệ thống siêu thị Nutrimart để đào tạo thực chiến miễn phí cho các chủ thể, tự livestream bán hàng trên TikTok. Cách tự bán hàng này có hạn chế là vẫn thanh toán theo kiểu T+15 hoặc T+17, nghĩa là phải 15 - 17 ngày sau mới nhận được tiền.

Hợp tác giữa Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội và Nutrimart sẽ được ký vào ngày 6/9 sắp tới.

Trong kỳ hợp tác với TikTok này, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội sẽ lọc chủ thể OCOP bằng cách đưa thông tin yêu cầu, rõ ràng với các chủ thể muốn tham gia phải đáp ứng được những tiêu chí nào, nhất là số lượng sản phẩm. Thực tế có những nhóm bán mỗi ngày 30.000 đơn hàng, trong đó sản phẩm thịt bò khô từng ghi nhận một buổi bán hàng thu được 500 triệu đồng qua kênh TikTok.

Với xu hướng Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí), TikTok Shop tại thị trường Việt Nam là một giải pháp sáng tạo dành mang đến hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các chủ thể OCOP.

Qua đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm cơ hội để gắn kết với cộng đồng thông qua yếu tố giải trí và khả năng tương tác cao trong những nội dung giới thiệu hoặc tạo nhu cầu cho những sản phẩm mới.

Sự hợp tác chính thức giữa Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội và TikTok sẽ giúp nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP của Hà Nội. Các bên sẽ đồng tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn về tạo video ngắn trên TikTok để quảng bá sản phẩm OCOP, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok cho người bán hàng và bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop.

Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội và TikTok cũng sẽ đồng bộ phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông quảng bá cho chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 919 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình OCOP với mục tiêu đạt được ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP vào năm 2025, là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp