Thị giá trượt dài từ đỉnh dù kinh doanh tăng trưởng, HAH đang nằm dưới giá trị

HAH Hải An
07:45 - 14/11/2022
SSI Research ước tính LNST của cổ đông công ty mẹ có thể đạt 855 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ) vào năm 2022 và 705 tỷ đồng (giảm 17,5% so với cùng kỳ) vào năm 2023.
SSI Research ước tính LNST của cổ đông công ty mẹ có thể đạt 855 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ) vào năm 2022 và 705 tỷ đồng (giảm 17,5% so với cùng kỳ) vào năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Kể từ vùng đỉnh thiết lập đầu tháng 6/2022, thị giá cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã giảm 69%, rơi về vùng đáy 17 tháng. Tuy nhiên, theo SSI Research, cổ phiếu này đang ở dưới giá trị.

Tác động của dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cước vận tải đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt ở các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ... Chính vì vậy, các doanh nghiệp vận tải biển là số ít các doanh nghiệp "sống khoẻ" trong đại dịch nhờ giá cước vận tải tăng phi mã và CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng không ngoại lệ.

Giai đoạn này, diễn biến cổ phiếu HAH được hỗ trợ tích cực bởi giá cước vận tải biển bước vào chu kỳ tăng phi mã kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Đồng thời, kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá cước cao dựng đứng và giao thương xuất nhập khẩu sôi động cũng giúp cho thị giá HAH bứt tốc.

Diễn biến cổ phiếu HAH. Ảnh SSI

Diễn biến cổ phiếu HAH. Ảnh SSI

HAH bắt đầu đợt tăng mạnh từ quý I/2021, liên tục phá đỉnh lịch sử. Mạch tăng chững lại vào cuối năm 2021 và quay trở lại mạnh mẽ vào đầu năm 2022. Cổ phiếu này chính thức đạt đỉnh lịch sử 90.000 đồng/CP phiên 3/6/2022. Tuy nhiên, cũng kể từ đây, HAH bắt đầu chuỗi giảm điểm nhanh không kém.

Chốt phiên 11/11, cổ phiếu HAH giảm sàn về còn 27.750 đồng/CP. Kể từ đỉnh cách đây 5 tháng, HAH rơi hơn 69% giá trị, lùi về vùng đáy 17 tháng, vốn hoá thị trường theo đó cũng bị thổi bay gần 4.379 tỷ đồng, còn gần 1.952 tỷ đồng.

Cổ phiếu giảm mạnh dù kết quả kinh doanh tích cực

Trong quý 3/2022, HAH ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt là 779 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ) và 218 tỷ đồng (tăng 135% so với cùng kỳ). Mặc dù tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn mạnh mẽ, nhưng kết quả kinh doanh quý 3 thấp hơn so với quý 2, cụ thể doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt giảm 16% và 9% theo quý.

Tỷ suất lợi nhuận ròng cải thiện lên 28% trong quý 3/2022, so với mức 19,5% trong quý 3/2021 và 25,8% trong quý 2/2022. Lũy kế, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 658 tỷ đồng (tăng 172% so với cùng kỳ), hoàn thành 120% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Sản lượng hàng hóa bốc dỡ tại cảng của Hải An giảm nhẹ 6,5% so với cùng kỳ, tuy nhiên doanh thu của mảng này vẫn sẽ ổn định do tỷ lệ doanh thu/TEU cao hơn. Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng tiếp tục cải thiện lên 46% trong quý 3/2022 so với 41,7% trong quý 3/2021, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 11%.

Sản lượng vận tải giảm 20% do HAH triển khai năm tàu vận chuyển nội địa so với sáu tàu trong quý 3/2021. Tuy nhiên, doanh thu tăng 64,7% so với cùng kỳ nhờ giá cước vận tải tăng và doanh thu cho thuê tàu tăng (4 hợp đồng với doanh thu ngày là 120 nghìn đô la trong quý 3/2022, so với 2 hợp đồng với doanh thu ngày là 33 nghìn đô la trong quý 3/2021). Lợi nhuận gộp của mảng hoạt động này tăng 233% theo năm nhưng giảm 18,7% theo quý do giá cước giảm 10~15% so với mức đỉnh.

Theo báo cáo mới nhất của SSI Research, thị trường thuê tàu container đột ngột suy yếu từ tháng 9, điều này phản ánh nhu cầu yếu trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung tàu tăng trong hai năm tới. Giá thuê tàu của tất cả các kích cỡ tàu đã giảm 60~75% so với mức đỉnh vào tháng 3/2022 và quay trở lại mức ghi nhận vào đầu năm 2021. Một điểm tích cực là giá thuê tàu đã ổn định trong 3 tuần qua (ví dụ: tàu kích thước 1700 TEU hiện được thuê với giá 15.000 USD/ngày).

Triển vọng tương lai của HAH

Theo trung tâm phân tích SSI Research, nguồn cung trong nước sẽ tăng vào năm 2023. Một số lượng lớn tàu sẽ quay trở lại thị trường nội địa, vì việc gia hạn hợp đồng thuê tàu sẽ khó khăn hơn. Do đó, nguồn cung tăng có thể gây áp lực lên giá cước, ước tính giá cước trung bình sẽ giảm 30% vào năm 2023.

Thị trường quốc tế có khả năng chạm đáy vào năm 2024. Vì phần lớn đơn hàng đóng mới tàu sẽ được giao vào năm 2023 và 2024 (tương ứng là 9,7% và 11,3% công suất năm 2021), giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2024. Kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại khi nhu cầu vận tải tăng lên, dự kiến vào nửa cuối năm 2023 hoặc năm 2024 khi thương mại toàn cầu phục hồi.

Với các giả định trên, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ có thể đạt 855 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ) vào năm 2022 và 705 tỷ đồng (giảm 17,5% so với cùng kỳ) vào năm 2023. Ở mức giá hiện tại, HAH đang giao dịch ở P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 2,7 lần và 3,2 lần, và P/B năm 2022 và 2023 lần lượt là 0,87 lần và 0,7 lần. Trong ngắn hạn, LNST của cổ đông công ty mẹ có thể duy trì ở mức cao.

Việc điều chỉnh giá cổ phiếu gần đây đã khiến cổ phiếu HAH xuống dưới giá trị sổ sách, trung tâm phân tích của SSI cho rằng đây sẽ là thời điểm đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn, với mức giá mục tiêu 1 năm là 38.500 đồng/cổ phiếu (P/E mục tiêu là 4 lần), tương đương với tiềm năng tăng giá là 28%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.