Hải Dương: Thay đổi nhận thức để nâng cao chất lượng vải thiều Thanh Hà

Vải thiều Việt nAM
09:23 - 29/05/2022
Hải Dương: Thay đổi nhận thức để nâng cao chất lượng vải thiều Thanh Hà
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường nhập khẩu chính của vải Thanh Hà là Trung Quốc đang trở nên "khó tính" hơn, trong khi các thị trường phân khúc cao cấp đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Bối cảnh này khiến người nông dân trồng vải ở Hải Dương buộc phải thay đổi nhận thức sản xuất.

Chiều ngày 28/5, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn khuyến nông “Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm vải thiều Thanh Hà”.

Chia sẻ với Mekong Asean, bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết: “Đây là năm thứ 3 tổ chức diễn đàn. Mục đích để kết nối giữa chuyên gia đối với người nông dân đề giải đáp tất cả các vấn đề liên quan đến việc sản xuất như thế nào, các tiêu chuẩn xuất khẩu ra sao. Qua đó, người nông dân có thể hiểu được định hướng của tỉnh, cũng như mở rộng định hướng của tỉnh trong vùng sản xuất”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương thông tin, hiện nay Hải Dương là một trong 4 tỉnh sản xuất vải lớn nhất cả nước. Hải Dương đang có tổng cộng gần 9.000 ha trồng vải thiều. Tổng sản lượng mỗi năm đạt khoảng 60.000 tấn. Trong đó, vải Thanh Hà giữ vững ổn định ở mức 3.300 ha. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý từ năm 2007.

Theo ông Thăng, trong niên vụ vải 2022, Hải Dương tiếp tục duy trì các vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGAP và mở rộng thêm 5 vùng sản xuất vải VietGAP, 6 vùng sản xuất vải GlobalGAP mới. Qua đó, nâng tổng số vùng sản xuất vải theo Vietgap lên 41 vùng, với tổng diện tích là 500 ha. Vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP lên 11 vùng, với diện tích là 110 ha.

Ngoài ra có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản. Hàng năm đều được đánh giá và cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và thực hiện cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên các trên thị trường.

Chia sẻ về tình hình chất lượng vải năm nay, bà Lương Thị Kiểm cho biết, do thời tiết rất thuận lợi cho quả vải Thanh Hà nên phía các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng sản phẩm của vụ mùa này. “Đến tháng 5 rồi mà thời tiết vẫn mát mẻ, điều này tác động tích cực đến chất lượng vải, khiến quả vải không bị ép chín”, bà Kiểm nói thêm.

Ngoài ra, do vải không chín nhanh nên bà con nông dân không bị ép thời gian thu hoạch. Đến thời điểm hiện tại, vải Thanh Hà cũng đã bắt đầu vụ thu hoạch, năng suất vải cao hơn so với năm 2021. Theo bà Kiểm, dự kiến năm nay sẽ ghi nhận kỷ lục về năng suất vải Thanh Hà khi đạt hơn 60.000 tấn.

Hiện quả vải Việt Nam đang phát triển theo 3 hướng chính: Tiêu thụ tại thị trường nội địa, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường có phân khúc cao cấp. Trong năm nay, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương thông tin sẽ mở rộng tối đa xuất khẩu vải sang các thị trường có kinh tế cao như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Ngoài ra, sẽ giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như khai thác tối đa thị trường nội địa.

Sản phẩm vải Thanh Hà trưng bày tại diễn đàn.

Sản phẩm vải Thanh Hà trưng bày tại diễn đàn.

Trong khi đó, thị trường trong nước đang được đánh giá là thị trường có tính chất trọng điểm khi có hơn 100 triệu dân. Trong năm 2021, tổng số lượng tiêu thụ quả vải nội địa chiếm tới 60% sản lượng tiêu thụ. Theo kết quả điều tra từ báo cáo của Trung tâm khuyến nông quốc gia, mức tiêu thụ vải trong nước hiện nay trung bình đạt 2,1 kg/người/năm.

Mặt khác, theo ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, năm nay vải Thanh Hà được giá, đặc biệt là loại vải sớm đang tiêu thụ trên trường. Tại thị trường trong nước, có loại đạt mức 160.000 – 180.000 đồng/kg. Riêng với loại vải u hồng, giá đang dao động ở mức 40.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá vải sớm của Hải Dương cao hơn so với vải ra thời điểm sau đó. Bởi thời điểm vụ vải chính của vải Thanh Hà cũng là thời điểm thu hoạch của vải Bắc Giang, giá khi đó sẽ bị ép xuống do mức cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thực thi chính sách “Zero Covid” khiến tình hình thông quan trở nên khó khăn. Đồng thời, nhiều năm qua, tình trạng tắc biên luôn xảy ra. Chính vì vậy, người nông dân Hải Dương đã bắt đầu chuyển sang trồng loại vải sớm để có giá thành cao hơn mà cũng ít cạnh tranh.

Phát biểu về vấn đề này, tại diễn đàn khuyến nông, ông Phạm Văn Duy, Cục phó Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện sản phẩm vải chế biến của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5 – 7%, trong khi đó sản phẩm vải tươi lại chiếm tới 93 - 95%.

Nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao, nhưng sản phẩm chế biến lại không đa dạng, chỉ có chế biến khô, đồ hộp, nước ép.

Về thị trường xuất khẩu, ông Duy cho rằng xuất khẩu tươi sẽ khiến doanh nghiệp và người nông dân thất bại trong việc tìm đường ra thế giới. Trong khi đó, xuất khẩu ra nước ngoài chiếm tới 50% sản lượng (45% xuất sang Trung Quốc và 5% xuất sang thị trường kinh tế cao như Mỹ, châu Âu…).

Mặt khác, việc bảo quản quả tươi đến các thị trường phân khúc cao như Mỹ, châu Âu lại rất khó khăn trong khâu logistics. Không chỉ cần bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nước bạn, mà còn vì quả vải chỉ có thể đảm bảo tối ưu từ 2 – 4 độ C, thời gian trên dưới 40 ngày. Việc vận chuyển lại mất thời gian, đặc biệt với thị trường ở phía bên kia bán cầu như Mỹ. Bên cạnh đó là thời gian làm thủ tục, lên kệ siêu thị.

Chia sẻ với Mekong Asean, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho rằng, việc chú trọng sản phẩm xuất khẩu phân khúc cao cũng sẽ tác động ngược lại thị trường tiêu dùng trong nước.

Theo ông, xuất khẩu sang thị trường khó tính dù nhỏ nhưng mang lại 2 giá trị cho vải Hải Dương. Một là khơi thông tiềm năng xuất khẩu vốn trước đây chưa dám thực hiện, nay đã xuất khẩu thì dù sản lượng nhỏ cũng là cơ hội để tiếp cận thị trường mới. Hai là thị trường xuất khẩu có thể tác động ngược lại tư duy của người tiêu dùng.

“Thị trường cao cấp có tác dụng điều tiết ảnh hưởng hành vi trong sản xuất và tiêu dùng trong nước. Muốn đưa vải vào thị trường đó với giá cao như vậy thì doanh nghiệp cần phải mang lại chất lượng sản phẩm tốt như thế nào. Điều đó tác dụng ngược trở lại người tiêu dùng trong nước”, ông Anh nói thêm.

Điều này đã đánh vào tư duy “xuề xòa” của phần lớn người tiêu dùng Việt. Thay đổi nhận thức của người dân, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng cao. Khi đó, ngay cả việc tiêu thụ vải trong nước cũng đòi hỏi cao hơn, sản phẩm bắt buộc phải nâng cấp để bắt kịp nhịp độ của thị trường.

Nói thêm về mặt sản xuất xuất khẩu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cũng cho biết: “Chúng tôi có quy hoạch các vùng trồng mục tiêu khác nhau, thị trường Mỹ thì vùng trồng sản xuất theo yêu cầu của Mỹ, các thị trường khác cũng tương tự”.

Cũng theo bà Lương Thị Kiểm, khó khăn lớn nhất trong việc xúc tiến quả vải của Hải Dương là thay đổi nhận thức của người nông dân. “Rất khó thay đổi nhận thức của người nông dân. Những người nông dân đầu tiên không thuận tình. Họ cho rằng họ đã làm bao nhiều năm, họ vẫn xuất khẩu nhưng giờ lại bắt thay đổi”, bà Kiểm chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, khi doanh nghiệp mua hàng vào tỉnh, Sở đã yêu cầu họ chỉ thu mua sản phẩm tại những vùng trồng của những người tuân thủ quy trình. Theo bà, điều này không chỉ tránh rủi ro cho doanh nghiệp mà còn để người nông dân thấy được việc tuân thủ theo quy trình mới bán được hàng.

Hiện nay ngay cả thị trường Trung Quốc cũng đã trở nên “khó tính”, nên việc thay đổi là điều bắt buộc. Trước đó, phát biểu tại tọa đàm “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” hồi tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Thị trường Trung Quốc chuyển sang khó tính từ lâu nhưng họ cũng cảnh báo doanh nghiệp Việt, cho doanh nghiệp thời gian. Họ không tự dưng đóng. Nhưng doanh nghiệp Việt lại không bắt kịp”.

Điều này cho thấy, ngay cả với thị trường coi là dễ tính như Trung Quốc cũng không còn như trước thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm là điều không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, nói về hỗ trợ của tỉnh Hải Dương để người nông dân thay đổi nhận thức, bà Kiểm cho biết tỉnh không dành nhiều kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân. Bởi mọi năm, sau khi hết mô hình hỗ trợ thì người nông dân lại quay trở lại sản xuất kiểu truyền thống. Do đó tỉnh sẽ không tiếp tục dành kinh phí hỗ trợ đại trà như trước đây.

Hiện nay các mô hình hỗ trợ chỉ là nơi để người nông dân học tập nâng cao kiến thức, gắn kết các doanh nghiệp có thể đồng hành cùng người nông dân, thu mua và xuất khẩu. Cụ thể, hỗ trợ của tỉnh Hải Dương đang dành nhiều cho lĩnh vực quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ nông dân làm sao để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu. Ví dụ như yêu cầu về cấp mã số vùng trồng, giấy chứng nhận Vietgap, GlobalGAP…

Về các chương trình xúc tiến của Hải Dương trong thời gian tới, bà Kiểm cho biết năm nay tỉnh đã có chương trình quảng bá xúc tiến kỹ lưỡng, bài bản. Từ nay đến cuối vụ đã có rất nhiều quảng bá vải Thanh Hà, kết nối thương vụ ngay trong nước. Về định hướng tương lai, Hải Dương hướng đến việc gia tăng chế biến sâu quả vải. Hiện các doanh nghiệp cũng đang mua vải Thanh Hà để sơ chế, áp dụng đồng bộ giải pháp giúp người nông dân tiêu thụ tươi.

Ngoài ra, tỉnh Hải Dương cũng sẽ hỗ trợ người nông dân đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử. Năm 2021, trái vải Hải Dương đã lên 5 sàn thương mại điện tử, bao gồm Postmart, Vỏ sò, Sendo, Lazada, Alibaba. Hiện nay số lượng gian hàng của tỉnh trên sàn Posmart và Vỏ sò đã đạt hơn 10.000 gian hàng.

“Người nông dân sẵn sàng tham gia sàn thương mại điện tử và ngày càng chủ động tiếp cận tiêu thụ sản phẩm. Trước đây họ cũng tham gia thương mại điện tử nhưng chỉ tại các kênh thiếu chuyên nghiệp về bán hàng như Zalo, Facebook… Giờ đây, với các kênh phân phối chuyên nghiệp, người nông dân ít chịu rủi ro hơn”, bà Kiểm nói thêm.

Đọc tiếp