Hàng trăm nghìn tấn nông sản sẵn sàng chờ tiêu thụ dịp Tết

Nông Sản Việt nAM
12:10 - 27/12/2021
Nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15 - 20% tùy từng sản phẩm.
Nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15 - 20% tùy từng sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn cung nông sản chờ tiêu thụ cho dịp Tết Nguyên Đán năm nay rất dồi dào, trong đó lúa gạo đạt 43,86 triệu tấn, thịt các loại 6,2 triệu tấn, trứng 16 tỷ quả, thủy sản 8,73 triệu tấn…

Số liệu thống kê của nhiều chủng loại nông sản đã được đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông tin tại Diễn đàn kết “Thúc đẩy liên kết cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”, ngày 25/12.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh đang có 3.000ha đất trồng thạch đen, sản lượng mỗi năm 16.000 tấn. Do tình hình dịch COVID-19, hiện mới xuất khẩu được 3.000 tấn. Trong khi đó, một số mặt hàng khác của Lạng Sơn như cây có múi, chủ lực là quýt Tràng Định, có khả năng cung cấp 1.000 tấn vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra một số nông sản khác như cải làn, cải hoa vàng, cải trắng, dự kiến năng suất ổn định.

Cũng thông qua diễn đàn trên, ngành nông nghiệp Lạng Sơn nhắc lại đề nghị các tỉnh phía Nam xem xét, thông tin tới doanh nghiệp phải có đơn hàng chắc chắn với bạn hàng Trung Quốc mới đưa hàng lên Lạng Sơn, tránh tăng thêm áp lực cho tình trạng ùn ứ xe container chở nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc hiện nay.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh, hiện tỉnh đang tìm đầu ra cho một số sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Với nhóm sản phẩm trái cây, tỉnh này đang có 500 tấn mít Thái siêu sớm, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh, 10 tấn na Hoàng hậu sẵn sàng cung ứng ra thị trường dịp cao điểm cuối năm.

Sản lượng các loại nông sản tỉnh Tây Ninh.

Sản lượng các loại nông sản tỉnh Tây Ninh.

Với nhóm sản phẩm chế biến có thể cung ứng quanh năm, Tây Ninh có sản phẩm thịt bò (được chế biến thành thịt mát, thịt đùi bít tết, thịt ba chỉ mát…), bánh tráng, rượu mãng cầu, nước ép mãng cầu, muối tôm, các loại thực phẩm chay. Tất cả đều được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đồng thời được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao.

Thông tin về số lượng nông sản chờ tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán, ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh.

Cụ thể, tỉnh đã rải vụ và dự kiến tổng sản lượng hoa quả trong các tháng 12/2021, 01/2022 và 02/2022 lần lượt là khoảng: 19.000 tấn, 22.000 tấn, và 35.000 tấn. Bên cạnh hoa quả, Đồng Tháp còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng hiện hơn 3.000 tấn. Những sản phẩm OCOP và các cơ sở chế biến sâu như dầu cá tinh luyện, thực phẩm chức năng, trà, hoa quả sấy cũng được tỉnh quan tâm.

Tại tỉnh Vĩnh Long, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Liêm, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh này có đa dạng loại sản phẩm nông sản như cây có múi, khoai lang, cá tra, thủy sản lồng bè…. Về sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, Vĩnh Long có những sản phẩm nổi trội như bưởi năm roi và bưởi da xanh khoảng 400 tấn; dưa hấu 8.000 tấn; dưa lưới 20 tấn; các loại rau củ quả hơn 3.000 tấn; hành lá 2.000 tấn; cá diêu hồng hơn 100 tấn.

Tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên là Kon Tum có sản lượng cà phê hiện có 62.000 tấn, sắn 600.000 tấn. Bên cạnh đó , diện tích cây ăn quả đạt 6.500 ha gồm bưởi, cam, quýt, chuối, sầu riêng... Về dược liệu, diện tích trồng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nổi tiếng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 1.240 ha, đảng sâm và các loại dược liệu khác đạt khoảng 2.600 ha.

Nông sản dịp Tết Nguyên đán 2022 dồi dào.

Nông sản dịp Tết Nguyên đán 2022 dồi dào.

Nguồn cung nông sản năm 2022 tăng so với dịp Tết năm trước

Khối lượng nông sản cung ứng cho dịp cuối năm tại các tỉnh, nhất là khu vực phía nam, đang khá dồi dào. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là khâu kết nối để tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong bối cảnh các cửa khẩu biên giới phía bắc sang Trung Quốc đang bị ùn ứ kéo dài.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi rất thấu hiểu khó khăn của các sản phẩm đặc sản miền Nam. Với đặc trưng là đại diện cho các nhà bán lẻ, phân phối vào siêu thị, chúng tôi chia sẻ khó khăn với nông dân và doanh nghiệp”.

Hiệp hội cam kết cùng các nhà cung cấp triển khai chuyên đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền vào siêu thị. Ngoài ra, với cương vị là người đứng đầu chuỗi siêu thị BRG Mart đã có mặt tại 7 tỉnh thành Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. HCM và Vũng Tàu, ông Dũng cho biết cuối năm là dịp tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nguồn cung các sản phẩm nông sản nói chung trong dịp Tết Nguyên đán tăng hơn so với năm ngoái.

Cụ thể, lúa gạo đạt 43,86 triệu tấn (tăng 2%), thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%), trứng 16 tỷ quả (tăng 10%), thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%), rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%), đậu các loại tăng 4%...

Ảnh tác giả

"Nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15 - 20% tùy từng sản phẩm. Trên cơ sở đó, các địa phương nên lưu ý thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất".

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

“Do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất”, ông Duy nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.