Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đến 15/8 đạt 402 tỷ USD

XNK tháng 8
11:39 - 20/08/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Lũy kế từ đầu năm đến 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 402 tỷ USD, giảm 13% so với mức 464 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 8 (1/8 – 15/8), xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt nam đạt 28,6 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Cán cân thương mại kỳ 1 tháng 8 ghi nhận xuất siêu 0,2 tỷ USD và lũy kế đến 15/8 xuất siêu 16 tỷ USD.

Kỳ 1 tháng 8, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đạt 14,4 tỷ USD, giảm 4,6 YoY. Điện thoại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 2,42 tỷ USD, giảm 10,6%. Kế đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 2,37 tỷ USD, tăng 26%; hàng dệt may đạt 1,54 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,53 tỷ USD….

Trong nhóm nông sản, Việt Nam xuất khẩu rau quả đạt 177 triệu USD; hạt điều đạt 140 triệu USD; cà phê đạt 110 triệu USD; chè đạt 10,3 triệu USD; hạt tiêu đạt 29,3 triệu USD; gạo đạt 266 triệu USD và sắn đạt 38,2 triệu USD.

Về tăng trưởng, trong 45 mặt hàng xuất khẩu, có 17 mặt hàng đạt trị giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Bánh kẹo và các sản phẩm là mặt hàng tăng trưởng lớn nhất với +90% YoY; tiếp đến là gạo với +82%; thức ăn gia súc với +60%; rau quả +55%..

Ngược lại, than có mức giảm lớn nhất với -88%; tiếp đến là quặng và khoáng sản khác với -70%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm với -55%; xăng dầu với -51%...

Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nửa đầu tháng 8 đạt 14,2 tỷ USD, giảm 7,3% YoY. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,1 tỷ USD, đây là mặt hàng duy nhất ghi nhận kim ngạch từ 4 tỷ USD trở lên.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,87 tỷ USD, là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ 2. Đứng sau là vải với 494 triệu USD; sắt thép với 430 triệu USD; điện thoại và linh kiện với 412 triệu USD…

Về tăng trưởng, có 16/53 mặt hàng nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Xăng dầu là mặt hàng tăng cao nhất với +136% YoY; tiếp đến là quặng và khoáng sản +88%; đậu tương với +61%; hạt điều với +59%; ngô với +28%; phân bón với +27%...

Hàng thủy sản có mức giảm lớn nhất với -79% YoY; dầu thô với -72%; điện thoại và linh kiện với -55%; dầu mỡ động thực vật với -54%; ô tô nguyên chiếc các loại với -52%...

Tin liên quan

Đọc tiếp