Hỗ trợ doanh nghiệp: NHNN có còn dư địa giảm lãi suất?

CHÍNH SÁCH Việt nAM
15:10 - 18/10/2021
Hỗ trợ doanh nghiệp: NHNN có còn dư địa giảm lãi suất?
0:00 / 0:00
0:00
Làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam trong thời gian qua đã gây hệ lụy ngay lập tức đến chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, chuỗi lưu thông - tiêu thụ hàng hóa, gây thiệt hại lớn cho kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố gần đây cho thấy trong 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận khoảng 90.300 doanh nghiệp rời thị trường, tức bình quân mỗi tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Trong đó, 45.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tức tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020. 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4% và 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xoa dịu khó khăn dòng tiền, trong thời gian qua, Chính phủ liên tục chỉ đạo đưa ra các gói hỗ trợ khác nhau. Theo chỉ đạo từ Chính phủ, ngành ngân hàng nhanh chóng thể hiện rõ vai trò và nỗ lực chia sẻ với doanh nghiệp thông qua hàng loạt Thông tư, Quyết định sửa đổi, bổ sung kịp thời, chẳng hạn như Thông tư 14/2021/TT-NHNN(*) hay Quyết định 1349/QĐ-NHNN năm 2021(**).

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/08/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng (TCTD) miễn, giảm, hạ cho khách hàng lên tới 26.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là khách hàng doanh nghiệp. Lũy kế cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch từ 23/01/2020 đến 31/08/2020 ước đạt 4,45 triệu tỷ đồng.

Mới đây nhất, Quốc hội đưa ra gợi ý gói cấp bù lãi suất, với trị giá dự kiến được nâng lên tới 3000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng.

Có còn dư địa giảm lãi suất?

Trao đổi với MEKONG ASEAN, từ góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho rằng các chính sách tiền tệ hiện nay là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên đề xuất kéo dài thời gian hoãn giãn nợ và hạ thêm lãi vay cho doanh nghiệp.

“Cá nhân tôi cho rằng khủng hoảng đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa phải căng mình tìm cách duy trì sản xuất trong điều kiện giãn cách và đáp ứng các quy chuẩn giãn cách, vừa phải chịu chi phí phòng chống dịch rất cao. Chính vì vậy, các yếu tố xương sống của doanh nghiệp là hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền phải chịu sức ép lớn.

Dòng tiền doanh nghiệp chủ yếu đến từ các nguồn vốn tự có và vốn vay, trong đó vốn vay chiếm tỷ trọng lớn. Việc Chính phủ cũng như ngành ngân hàng triển khai các gói giảm lãi suất, gia hạn nợ trong thời gian qua theo tôi đánh giá là chính sách tiền tệ hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, tôi kiến nghị tăng thời gian hoãn, giãn nợ đến ngày 30/12/2022, bởi việc kéo dài thời hạn hoãn giãn nợ đến 30/6/2022 như trong Thông tư 14/2021/TT-NHNN theo tôi là hơi ngắn. Cần nhiều thời gian hơn để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, mặc dù May 10 đã được hưởng ưu đãi từ các gói giảm lãi suất, nhưng với chi phí vốn như hiện nay, tôi vẫn kiến nghị hạ thêm lãi suất vay” - ông Thân Đức Việt cho hay.

Câu hỏi đặt ra là liệu có còn dư địa giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ?

Tại buổi trao đổi VESS TALK do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức hôm 18/10, PGS.TS.Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Kinh tế trưởng VESS cho rằng NHNN khó có khả năng tiếp tục hạ lãi suất do nhận thức được sức ép quá lớn từ lạm phát.

“Dư địa của chính sách tiền tệ hiện nay là rất hẹp, do sức ép lạm phát và giá tiêu dùng trong thời gian tới…. Mặc dù dữ liệu CPI do Tổng cục Thống kê công bố trong thời gian qua vẫn ở dưới mức 2%, nhưng thực tế các chỉ số giá khác như GDP Deflator 9 tháng đầu năm tăng tới 23%”.

Ông Phạm Thế Anh cho hay: “Thông thường, CPI và GDP Deflator thường song hành cùng nhau, nhưng trong tình huống kinh tế đặc biệt hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự phân kỳ rõ nét. Sở dĩ có sự phân kỳ như vậy là do CPI tính toán giá hàng hóa và dịch vụ được mua bởi người tiêu dùng, mà thời gian vừa qua chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, GDP Deflator đo lường tất cả giá hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra, nên phản ánh chính xác thực trạng giá cả trong nền kinh tế. Đây là vấn đề độ trễ”.

“Nguy cơ lạm phát hiện tương đối lớn vì không trước thì sau, giá sản xuất cuối cùng cũng sẽ phản ánh vào giá tiêu dùng khi doanh nghiệp chuyển gánh nặng tăng giá nguyên vật liệu lên vai người tiêu dùng. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, giá có khả năng tăng vọt dù sức mua không lớn. Trong khi đó, vốn tiếp tục dồn vào thị trường tài sản. Nếu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, nguy cơ bong bóng tài sản tiếp tục phình to làm mất cân đối lớn trong nền kinh tế.

Quan điểm của tôi là chính sách tiền tệ không thu hẹp nhưng cần điều hành thận trọng và kiểm soát chặt chẽ trong nới lỏng. Dự báo hỗ trợ trong nền kinh tế từ nay chủ yếu đến từ chính sách tài khóa, cụ thể là đi vay. Vay từ nguồn nào, trong hay ngoài nước thì cần phải tính toán” - PGS.TS.Phạm Thế Anh nói thêm.

Hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp: tiền phải “về đích’, tránh “cào bằng”

Trong cuộc trao đổi nhanh với MEKONG ASEAN về các gói hỗ trợ mà Chính phủ dành cho doanh nghiệp hiện tại, TS.Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay: “Thật sự là trong làn sóng dịch COVID-19 vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Nhưng theo nghiên cứu chuyên sâu của chúng tôi, cần phải khẳng định có những doanh nghiệp thuộc nhóm 14 ngành nghề được hưởng lợi từ đại dịch, chẳng hạn như các ngành liên quan đến chống dịch (thiết bị y tế, hóa chất, khẩu trang…).

Họ thu lợi nhuận gấp hàng chục lần so với khi chưa có dịch. Hoặc những ngành công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sản xuất phần mềm vẫn sống khỏe, thậm chí ăn nên làm ra trong dịch".

Ông Lê Xuân Sang cho rằng: “Trong điều kiện cho phép về ngân sách, ta có thể hỗ trợ hết nhưng khi ngân sách hạn hẹp thì cần thiết phải sàng lọc. Cần có đánh giá một cách chính xác các đối tượng chịu tác động của đại dịch và mức độ tác động, tránh tình trạng “cào bằng” hỗ trợ, dẫn đến hỗ trợ không công bằng và thất thoát ngân sách”.

“Nhìn chung, hỗ trợ là tất nhiên, nhưng cần tìm cách hạn chế tình trạng trục lợi chính sách. Hỗ trợ sao cho công bằng, hiệu quả, sát thực tiễn, tính đến đặc thù từng địa phương” - ông Sang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với TS.Lê Xuân Sang, Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cũng cho rằng cần thiết có sự phân loại đánh giá để đưa ra mức độ hỗ trợ khác nhau cho các đối tượng doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế.

“Đương nhiên khó khăn là khó khăn chung của toàn nền kinh tế, nhưng không có nghĩa tất cả doanh nghiệp, tất cả ngành nghề đều khó khăn. Gói hỗ trợ phải “về đích”, đúng địa chỉ đối tượng doanh nghiệp cần hỗ trợ. Cần có cơ chế phân loại, đánh giá ngành nghề, thậm chí từng doanh nghiệp để hỗ trợ đúng và đủ”.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.