Hoa Kỳ cam kết đồng hành với Việt Nam trong việc duy trì nguồn gỗ hợp pháp

Gỗ hoa kỳ
11:05 - 04/03/2024
Toàn cảnh hội thảo sáng ngày 4/3. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Toàn cảnh hội thảo sáng ngày 4/3. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Theo bà Melissa Bishop – Đại diện lâm thời, Đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, nước này sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong việc duy trì gỗ hợp pháp cả trong nước và quốc tế.

Từ ngày 4 – 7/3/2024, Cục Kiểm lâm phối hợp với Bộ tư pháp và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật chống buôn bán gỗ trái pháp luật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ về chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp.

Hội thảo là diễn đàn để ngành gỗ, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức xã hội dân sự trình bày quan điểm về buôn bán gỗ trái phép và thúc đẩy buôn bán gỗ hợp pháp giữa Việt Nam với các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu. Qua đó nâng cao năng lực cho các cán bộ có liên quan của Việt Nam, bao gồm các cán bộ thực thi pháp luật nhằm chống buôn bán gỗ trái phép và thúc đẩy buôn bán gỗ hợp pháp.

Các vấn đề được đưa ra tại hội thảo và thảo luận chuyên sâu sẽ giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu hơn về nỗ lực của Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Đồng thời bàn bạc và xây dựng kế hoạch hành động trong tương lai, để từng bước thúc đẩy hợp tác thương mại sâu rộng hơn nữa thông qua việc thiết lập các khung pháp lý mạnh mẽ, quản lý rủi ro thích hợp và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Tại phiên khai mạc sự kiện diễn ra sáng ngày 4/3, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa cho biết, sau một thời gian đàm phán, ngày 1/10/2021, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận về kiểm soát khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp (Thỏa thuận 301) nhằm triển khai phối hợp giữa chính phủ hai nước trong việc tăng cường triển khai chống gỗ bất hợp pháp và thương mại liên quan, cải thiện thể chế trong công tác quản lý rừng bền vững, truy xuất bền vững gỗ và lâm sản.

“Thỏa thuận 301 đã thể hiện mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành lâm nghiệp, đảm bảo phát triển ngành chế biến gỗ nói riêng và lâm nghiệp nói chung hiệu quả, qua đó nâng cao uy tín ngành chế biến và xuất khẩu của Việt Nam”, Cục trưởng Bùi Chính Nghĩa nhận định.

Theo người đứng đầu Cục Kiểm lâm, sau hai năm triển khai, hai bên đã triển khai 3 phiên họp cấp kỹ thuật và đến nay đã đạt được một số kết quả. Đơn cử, Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như đã rà soát ưu đãi tài chính đối với ngành chế biến gỗ, sửa đổi văn bản các quy phạm pháp luật về hệ thống phân loại doanh nghiệp, bổ sung các tiêu chí xác định vùng địa lý tích cực để đảm bảo kiểm soát, để gỗ tịch thu của Việt Nam không đi vào chuỗi cung ứng. Đồng thời tăng cường kiểm soát, kiểm tra gỗ nhập khẩu, tăng cường hợp tác với các nước xuất khẩu nguyên liệu để kiểm soát gỗ nhập khẩu vào Việt Nam.

Ảnh tác giả

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

“Trong khuôn khổ triển khai Thỏa thuận 301, Hội thảo diễn ra với hy vọng hai bên cùng nhau chia sẻ thông tin pháp luật của hai nước, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong triển khai thực thi pháp luật giữa hai quốc gia để hiểu rõ hơn về thực trạng quy định pháp luật của hai bên, về quá trình thực thi pháp luật của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để cơ quan Hoa Kỳ hiểu rõ hơn hệ thống pháp luật, các bên liên quan của Việt Nam trong việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản nói riêng”

Cục trưởng Cục Kiểm Lâm Bùi Chính Nghĩa

Trong khi đó, theo bà Melissa Bishop – Đại diện lâm thời, Đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: “Hoa Kỳ đồng hành cùng Việt Nam trong việc duy trì gỗ hợp pháp cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi tin tưởng đảm bảo hợp pháp gỗ không chỉ đảm bảo nguồn tài nguyên rừng quý giá mà còn thúc đẩy thịnh vượng của nền kinh tế, cũng như tăng cường thực thi pháp luật. Cam kết của chúng ta đối với gỗ hợp pháp sẽ vươn xa hơn ra ngoài biên giới của quốc gia, chúng ta đảm bảo nguồn hàng nhập khẩu sẽ đến từ nhiều cánh rừng được quản lý bền vững, có trách nhiệm”.

Bà Melissa cũng nhấn mạnh, sự minh bạch, chứng nhận và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hợp tác giữa các đối tác thương mại là then chốt để thực hiện các mục tiêu trên.

“Chúng tôi cam kết làm sâu sắc hơn nữa trong quan hệ thương mại, công nghệ, sản xuất, thực thi pháp luật. Trong đó, về thương mại, chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy sâu rộng hơn nữa thông qua việc thiết lập khung pháp lý mạnh mẽ quản lý rủi ro, thực hiện biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Sự kiện hôm nay đánh dấu việc khởi động một chuỗi hội thảo sẽ được thiết kế để xúc tiến trao đổi, đối thoại có ý nghĩa giữa cơ quan chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp”, bà Melissa chia sẻ tại hội thảo.

Ngày 1/10/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận với Trưởng Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Phía Hoa Kỳ đánh giá cao thỏa thuận này vì đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy môi trường bền vững, là hình mẫu cho Hoa Kỳ hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Thỏa thuận thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.

Đồng thời, sẽ thúc đẩy sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ, khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu trong nước, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Đọc tiếp