Hội nghị phát triển ĐNA: Có 3 trọng tâm để khu vực phục hồi từ đại dịch

KINH TẾ ĐÔNG NAM Á
12:15 - 16/03/2022
Hội nghị phát triển ĐNA: Có 3 trọng tâm để khu vực phục hồi từ đại dịch
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị chuyên đề SEADS 2022 dự kiến thảo luận về 3 yếu tố then chốt hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong khu vực là gỡ nút thắt chuỗi cung ứng, phục hồi ngành công nghiệp du lịch và thúc đẩy chuyển đổi số.

Ngày 16/3, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị Chuyên đề Phát triển Đông Nam Á (SEADS) với chủ đề "Các giải pháp bền vững cho sự phục hồi của Đông Nam Á", nhằm thảo luận về các trọng tâm phục hồi kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Trải qua 2 năm dịch bệnh, bước sang năm 2022, các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến tác động sâu sắc và rộng khắp của đại dịch. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã đảo ngược nhiều thành tựu giảm nghèo, tạo công ăn việc làm trong nền kinh tế… mà các Chính phủ trong khu vực đã rất nỗ lực xây dựng trong khoảng thời gian trước đó.

Tác động của đại dịch COVID-19 thể hiện rất rõ trong sự suy giảm tăng trưởng GDP các quốc gia trong khu vực ASEAN năm 2020-2021 (Ảnh: ADB)

Tác động của đại dịch COVID-19 thể hiện rất rõ trong sự suy giảm tăng trưởng GDP các quốc gia trong khu vực ASEAN năm 2020-2021 (Ảnh: ADB)

Một nghiên cứu do ADB công bố tại SEADS cho biết tính riêng trong năm 2021, đại dịch đã đẩy khoảng 4,7 triệu người dân Đông Nam Á rơi vào cảnh nghèo cùng cực, xóa sổ 9,3 triệu việc làm so với kịch bản không có COVID-19.

Nguy cơ xa hơn, làn sóng dịch mới nhất gây ra bởi biến chủng Omicron có khả năng thổi bay 0,8 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của khu vực trong năm nay, đồng thời làm giảm sản lượng kinh tế của khu vực khoảng 10% so với kịch bản không có COVID-19. Trong đó, lao động phổ thông, lao động trong khu vực phi chính thức và doanh nghiệp nhỏ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tuy nhiên, những tín hiệu sáng đã xuất hiện khi các quốc gia trong khu vực lần lượt đạt được mức độ bao phủ vaccine khả quan để mở cửa trở lại nền kinh tế (ước tính 59% dân số trong khu vực đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 21/2/2022), các phương pháp điều trị mới cũng có nhiều tiến triển. Nhiều hỗ trợ kinh tế - xã hội đáng kể và có mục tiêu, có trọng tâm trọng điểm được tung ra tạo động lực cho đà phục hồi.

Riêng tại Việt Nam, sau khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại đà phục hồi. Tăng trưởng GDP quý IV/2021 của Việt Nam đạt 5,22% sau mức thấp kỷ lục hồi quý III.

Các chỉ số kinh tế về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư trong nước và nước ngoài… những tháng đầu năm 2022 đều cho thấy tín hiệu khởi sắc. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trị giá 350 nghìn tỷ đã được Chính phủ Việt Nam ban hành và đang được giải ngân nhanh chóng.

ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 6,5-7,0% nhờ độ bao phủ vaccine rộng rãi và nhiều động lực phục hồi kinh tế, trong đó có chuyển đổi số. Theo nhận định của nhóm chuyên gia ADB, Việt Nam đã đạt thành công bước đầu trong phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Điều đó được thể hiện qua những cải tiến đáng kể trong khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), các nền tảng kỹ thuật số, và an ninh mạng. Đồng thời, đại dịch COVID-19 cũng được nhận định là “chất xúc tác” tạo nên những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số khi người dân tăng cường sử dụng thanh toán kỹ thuật số.

Trước những tiềm năng sáng cho phục hồi kinh tế tại Việt Nam nói riêng và toàn khu vực Đông Nam Á nói chung, Hội nghị chuyên đề SEADS 2022 dự kiến sẽ tập hợp những chuyên gia, nhà phân tích hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực để thảo luận về 3 yếu tố then chốt hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong khu vực.

Theo đó, 3 yếu tố then chốt để phục hồi kinh tế bao gồm: gỡ nút thắt chuỗi cung ứng đang gián đoạn, phục hồi ngành công nghiệp du lịch từng là thế mạnh của khu vực và thúc đẩy chuyển đổi số.

Đồng thời, SEADS 2022 cũng thảo luận về 3 vấn đề xã hội trọng tâm là phục hồi xanh, vấn đề bình đẳng giới và đảm bảo tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị chuyên đề SEADS 2022 dự kiến thu hút sự tham giả của hàng nghìn học giả, nhà nghiên cứu, nhà phát triển công nghiệp và cả các nhà lãnh đạo Chính phủ từ nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Đây là hội nghị thường niên SEADS lần thứ ba được tổ chức bởi ADB. Hai năm trước đó, hội nghị được tổ chức vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, do đó chủ đề các sự kiện này chủ yếu tập trung vào giải pháp hỗ trợ các quốc gia trước tác động tức thời của đại dịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp