IMF cảnh báo châu Á đối mặt nguy cơ lạm phát đình trệ

TĂNG TRƯỞNG CHÂU Á
09:51 - 26/04/2022
Một người bán rau ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Một người bán rau ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/4, một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng, khu vực châu Á đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ do ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Ukraine và giá hàng hóa tăng vọt. 

Theo Reuters, trong một cuộc họp báo trực tuyến ở Washington (Mỹ), bà Anne-Marie Gulde-Wolf, quyền Giám đốc điều hành Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF cảnh báo rằng, khu vực châu Á sẽ phải đối mặt với nguy cơ rơi vào lạm phát đình trệ khi tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo.

Theo bà Gulde-Wolf, không chỉ các hoạt động thương mại và tài chính của châu Á đối với Nga và Ukraine bị hạn chế, mà các nền kinh tế trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng.

Bà cũng nhận xét rằng, lạm phát ở châu Á cũng đang bắt đầu tăng lên vào đúng thời điểm nền kinh tế Trung Quốc suy thoái do dịch bệnh. Điều này đang tạo thêm áp lực lên triển vọng tăng trưởng khu vực.

Bà Anne-Marie Gulde-Wolf, quyền Giám đốc điều hành Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ảnh: CNBC

Bà Anne-Marie Gulde-Wolf, quyền Giám đốc điều hành Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ảnh: CNBC

"Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ cần thiết ở hầu hết các quốc gia. Tốc độ thắt chặt sẽ phụ thuộc vào quy mô lạm phát trong nước và áp lực bên ngoài", bà nói.

Ngoài ra, theo vị quan chức IMF, lãi suất ổn định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lên cũng là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách châu Á, do khoản nợ bằng đồng USD của khu vực này đang ở mức khổng lồ.

Trước đó, trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" được công bố hôm 19/4, IMF cho biết họ dự báo nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay, giảm 0,5% so với dự báo vào tháng 1. Lạm phát ở châu Á có thể ​​sẽ đạt 3,4% vào năm 2022, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 1.

Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc xuống còn 4,4%, thấp hơn so với ước tính trước đó là 4,8% và thấp hơn mục tiêu do Trung Quốc đề ra là 5,5%.

Bà Guld-Wolf cho biết, cuộc chiến tại Ukraine theo chiều hướng leo thang, những đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, quỹ đạo tăng lãi suất của Fed nhanh hơn dự kiến và tình trạng phong tỏa kéo dài hoặc mở rộng hơn ở Trung Quốc vẫn sẽ là những rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng của châu Á.

Theo IMF, khu vực châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép và các tác động của nó đang ngày một hiện rõ, lan nhanh và rộng tới các quốc gia, đặc biệt là nhóm nước nghèo, dễ bị tổn thương. Nếu tình hình chiến sự hiện nay không hạ nhiệt, bóng ma lạm phát và gánh nặng nợ tại nhiều nước sẽ càng thêm trầm trọng, tạo ra "rào cản" trên con đường phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.