Khai trương tuyến tàu biển kết nối cảng Cửa Lò với Ấn Độ - Bangladesh

XUẤT KHẨU ẤN ĐỘ
21:14 - 27/07/2022
Khai trương tuyến tàu biển kết nối cảng Cửa Lò với Ấn Độ - Bangladesh
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 27/7, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Tổng công ty hàng Hải Việt Nam tổ chức Hội nghị khai trương chính thức tuyến tàu biển kết nối cảng Cửa Lò ở miền Trung Việt Nam với Ấn Độ - Bangladesh.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cảm ơn sự hỗ trợ của Tổng công ty hàng Hải Việt Nam (VIMC) trong việc thiết lập tuyến tàu biển vận chuyển kết nối thẳng giữa các tỉnh miền Trung Việt Nam và Ấn Độ.

Ông Thướng cho biết, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là khi hai nước đã có 50 năm quan hệ ngoại giao, nhiều nhà đầu tư Ấn Độ muốn đầu tư vào Việt Nam và hàng hóa Việt Nam còn nhiều dư địa để xuất khẩu vào thị trường đông dân thứ 2 thế giới này. Tuy nhiên, ông cho rằng mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa phát triển mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng do còn gặp nhiều rào cản. Một trong số đó là về vấn đề vận chuyển, đi lại.

Vì vậy, việc kết nối tuyến đường vận chuyển thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ là điều cần thiết và đã được hai bên sắp xếp rất lâu. Tới cuối năm 2021, Việt Nam mới có thiết lập tuyến vận tải đầu tiên để kết nối trực tiếp Hải Phòng – Malaysia – Ấn Độ.

Tới tháng 5/2022, VIMC tiếp tục đưa tàu container 1000 teus vào Cửa Lò - Nghệ An vận chuyển hàng đi cảng Kolkata, Ấn Độ. Đến ngày 27/7, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với VIMC tổ chức buổi lễ khai trương chính thức, nhằm trao đổi và phổ biến tới các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics về tuyến vận tải mới này.

Ông Bùi Trung Thướng, đại diện Thương vụ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Ông Bùi Trung Thướng, đại diện Thương vụ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIMC cho biết đây là lần đầu tiên cảng Cửa Lò đón tàu container vận chuyển hàng đi quốc tế. Từ đây hàng hóa ở khu vực miền Trung sẽ được kết nối trực tiếp đi Port Klang (Malaysia) và Kolkata (Ấn Độ) với thời gian ngắn nhất và chi phí tốt nhất. Từ Kolkata, hàng hóa sẽ được vận chuyển tới các bang của Ấn Độ và quốc gia láng giềng Bangladesh.

Với việc mở vận tải container bằng đường biển tuyến xa của ngành hàng hải, Việt Nam sẽ chủ động trong vận tải hàng hóa, tránh bị rủi ro tăng giá cước từ các hãng tàu ngoại, thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ - Bangladesh. Đồng thời ông Trung cũng bày tỏ kỳ vọng chuyến tàu này sẽ giúp thúc đẩy phát triển mỗi quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển mạnh hơn nữa, đưa kim ngạch song phương tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng khẳng định vị thế của cảng Cửa Lò - đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn khu vực bắc Trung Bộ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nghệ An và trở thành mắt xích chiến lược kết nối các vành đai kinh tế trong chuỗi hoạt động logistics của cả nước.

VIMC Lines (công ty con của VIMC) là đơn vị trực tiếp vận hành và phát triển tuyến vận tải này. Bà Ngọc Trang, đại diện VIMC Lines chia sẻ qua khảo sát thấy nhu cầu vận chuyển bằng đường biển giữa Việt Nam và Ấn Độ của các doanh nghiệp ngày một tăng, đặc biệt vào cuối năm 2021 đầu năm 2022, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Vì vậy, với định hướng phát triển tuyến đường biển khu vực nội Á, VIMC Lines đã nghiên cứu và triển khai được tuyến kết nối trực tiếp giữa Việt Nam với Ấn Độ tại cảng Kolkata.

Bà Ngọc Trang, đại diện VIMC Lines: tuyến vận tải thẳng của VIMC Lines giúp tiết kiệm chi phí và thời gian khi chỉ mất khoảng 14-15 ngày

Bà Ngọc Trang, đại diện VIMC Lines: tuyến vận tải thẳng của VIMC Lines giúp tiết kiệm chi phí và thời gian khi chỉ mất khoảng 14-15 ngày

Dịch vụ này mở ra đã nhận được sự ủng hộ rất lớn đến từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, vì đây là dịch vụ vận chuyển duy nhất và nhanh nhất trên thị trường tại thời điểm hiện nay. Dù hiện các hãng tàu nước ngoài vẫn có dịch vụ vận chuyển từ Việt Nam đi Ấn Độ nhưng họ thường phải transit qua các cảng tại Singapore, Malaysia… Vì vậy, thời gian vận chuyển của các hãng tàu này sẽ kéo dài hơn nhiều so với tuyến vận tải trực tiếp. Hiện nay, tuyến vận tải thẳng của VIMC Lines chỉ mất khoảng 14-15 ngày trong khi các hãng vận chuyển khác mất tới 21 ngày.

Bên cạnh đó, nhận ra nhu cầu vận tải và kết nối lớn giữa Việt Nam và Bangladesh, cũng như sự tương đồng giữa hàng hóa vận chuyển từ Việt Nam đi Ấn Độ và đi Bangladesh, VIMC Lines cũng sẽ triển khai xây dựng tuyến đường biển trực tiếp từ Việt Nam đi Bangladesh. Dự kiến tuyến này sẽ khai trương vào tháng 8 tới. VIMC Lines đánh giá hai tuyến đường này sẽ rất tiềm năng và kỳ vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của cả ba nước.

Về phía Ấn Độ, Thuyển trưởng K.S. Rai, với kinh nghiệm vận chuyển hàng hải nhiều năm đánh giá việc kết nối giữa Việt Nam và Ấn Độ qua cảng Kolkata sẽ mở ra cơ hội khai thác cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì hiện nay, Ấn Độ đang tập trung hơn khai thác các cảng ở bờ Tây như Mundra, Mumbai, Nhava Sheva.

Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp khai thác các cảng ở bờ Đông như Kolkata. Vì thế, việc Việt Nam kết nối với Ấn Độ ở bờ phía đông rất phù hợp để khai thác vùng cửa ngõ dẫn đến khu vực phía Đông Ấn Độ gồm cả khu vực Bangladesh và vùng Đông Bắc rộng lớn với khoảng 600 triệu dân này.

Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Phạm Việt Chiến cho rằng thị trường Bangladesh là thị trường tiềm năng nhưng đã bị lãng quên.

Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Phạm Việt Chiến cho rằng thị trường Bangladesh là thị trường tiềm năng nhưng đã bị lãng quên.

Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Phạm Việt Chiến cũng bày tỏ sự vui mừng khi được dự lễ khai trương tuyến đường. Ông cho rằng Bangladesh là thị trường tiềm năng nhưng đã bị lãng quên và hi vọng sau khi tuyến đường trực tiếp kết nối Việt Nam – Bangladesh khai trương, các hãng tàu và doanh nghiệp Việt Nam sẽ lưu ý khai thác thị trường này.

Ông Chiến cho biết, Bangladesh với hơn 170 triệu dân và là cửa ngõ dẫn vào phía Đông Nam và Đông Bắc Ấn Độ. Đây cũng là thị trường đã có sự tăng trưởng thương mại song phương với Việt Nam rất mạnh mẽ trong năm 2021, lên tới hơn 50%. Dự kiến, trong năm 2022, mức tăng trưởng thương mại song phương giữa hai nước sẽ không dưới 25% và có thể đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể chiếm khoảng 80% trong đó có 20% là hàng vật liệu xây dựng.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Ấn Độ và Bangladesh

Nửa đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 7,8 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 4,1 tỷ USD, tăng mạnh 41%, kim ngạch nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng trưởng 9%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng nông sản như cà phê, hạt tiêu; hàng hóa chất; chất dẻo nguyên liệu; cao su; hàng dệt may; giày dép; kim loại thường khác và sản phẩm; máy vi tính, sản phẩm điện tử; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…

Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm ngô; thức ăn gia súc; hóa chất; dược phẩm; bông; đá quý, kim loại quý và sản phẩm; sắt thép các loại; kim loại thường; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…

Với Bangladesh, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 753 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 18%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 704 triệu USD hàng hóa, tăng 19%, nhập khẩu 49 triệu USD, tăng 9%. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là xơ, sợi dệt các loại; hàng dệt may, sản phẩm từ sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện…

Tin liên quan

Đọc tiếp