Khánh Hoà rà soát phương án cấp nước sạch cho đồng bào dân tộc

dân tộc Khánh Hoà
15:39 - 20/12/2023
Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt.
Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Trần Hòa Nam, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện các công trình cấp nước sinh hoạt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại buổi báo cáo tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sạch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 106 công trình nước sạch nông thôn tập trung, trong đó có 37 công trình phục vụ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên có 6/37 công trình ngừng hoạt động, 21/37 công trình hoạt động kém hiệu quả. Công tác quản lý, khai thác các công trình cấp nước tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) thời gian qua nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến việc thu tiền sử dụng nước từ người dân không đủ bù chi, công nghệ, thiết bị lạc hậu gây khó khăn trong đảm bảo chất lượng nước; không có kinh phí để duy tu bảo trì, sửa chữa, việc quản lý, vận hành nhiều nơi không hiệu quả…

Trước vấn đề này, tại buổi báo cáo, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, quản lý, vận hành cấp nước cho khu vực đồng bào DTTS, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát lại toàn bộ các công trình cấp nước ở vùng đồng bào DTTS trong tỉnh về hiện trạng, phương án đầu tư, giao đơn vị nào quản lý, vận hành, xây dựng phương án giá nước cụ thể đối với từng công trình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà chủ trì buổi báo cáo tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sạch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Báo Khánh Hoà

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà chủ trì buổi báo cáo tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sạch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Báo Khánh Hoà

Đối với những công trình hoạt động không hiệu quả, phải xác định rõ nguyên nhân, từ đó xác định hướng đầu tư hiệu quả. Đối với 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, việc đầu tư mới các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân phải gắn với việc xây dựng các công trình hồ thủy lợi để đảm bảo nguồn cấp nước, công nghệ xử lý… để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.

Ông Trần Hòa Nam nhấn mạnh việc UBND cấp huyện phải xây dựng phương án giá nước, trong đó tính toán đầy đủ các chi phí trình Sở Tài chính thẩm định để tham mưu UBND tỉnh ban hành thực hiện, khi đó mới có thể tính toán được phương án hỗ trợ giá nước cho các đối tượng chính sách.

Ngoài ra, UBND cấp huyện cũng cần phải có quy chế quản lý, vận hành đối với các công trình cấp nước tập trung do địa phương quản lý; những công trình do cấp xã quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả thì nhân rộng ra các địa phương khác…

Tỉnh Khánh Hòa có 35 dân tộc thiểu số sinh sống với trên 72.000 người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Raglay chiếm trên 77%. Tỉnh có gần 6.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 58,9% số hộ nghèo toàn tỉnh.

HĐND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, tỉnh xác định cụ thể giai đoạn 1 (2021 – 2025) sẽ dành trên 468 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình này.

Mục tiêu của Khánh Hòa trong chương trình là thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (28 triệu đồng/người/năm); giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Các khoản đầu tư được tập trung sử dụng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em…

Tin liên quan

Đọc tiếp