Khó khăn bủa vây ngành bán dẫn, nhiều công ty sản xuất chip đối mặt thua lỗ

Chip toàn cầu
15:45 - 30/01/2023
Khó khăn bủa vây ngành bán dẫn, nhiều công ty sản xuất chip đối mặt thua lỗ
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi chứng kiến doanh số bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhiều công ty sản xuất chip hàng đầu đang đối mặt với bài toán thua lỗ, cùng với lượng hàng tồn kho tăng cao trong khi nhu cầu mua suy giảm.

Chip bán dẫn được ví như là "xương sống" của ngành công nghệ cao. Thị trường chip bán dẫn đã tăng trưởng bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, với số lượng đơn hàng kỷ lục, đẩy doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành lên mức cao mới. Điều này đã dẫn đến cuộc đua giữa các tập đoàn, công ty lớn trên toàn cầu nhằm cạnh tranh ảnh hưởng, cũng như chiếm vị thế về thị phần, nhân lực và hơn hết là nguồn cung trong ngành.

Thế nhưng gần đây, nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn đang thua lỗ trên mỗi con chip họ sản xuất, theo South China Morning Post. Khoản lỗ từ hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất chip được dự đoán sẽ đạt mức 5 tỷ USD trong năm nay. Hàng tồn kho, một chỉ số quan trọng về nhu cầu đối với chip nhớ đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt mức cung cấp đủ cho 3-4 tháng.

Trước đó Samsung là công ty duy nhất được dự đoán sẽ thoát khỏi tình trạng này nhờ vào hoạt động kinh doanh đa dạng, nhưng đến nay, mảng bán dẫn của công ty cũng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Ngành công nghiệp bán dẫn trị giá ước tính 160 tỷ USD đang phải hứng chịu một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay. Những vấn đề nổi cộm với ngành bán dẫn hiện nay là dư thừa hàng tồn kho, khách hàng cắt giảm các đơn đặt hàng và giá sản phẩm giảm mạnh.

Trong bối cảnh thị trường đầy biến động như lạm phát và lãi suất tăng cao, người tiêu dùng và doanh nghiệp dần thắt chặt chi tiêu hơn, thay đổi thói quen mua sắm. Điều này vô tình khiến các nhà sản xuất chip gặp khó khi lượng hàng tồn kho tăng lên, trong khi số lượng người mua lại giảm xuống.

Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ để đối phó với nhu cầu suy giảm. Tháng trước, công ty thông báo sẽ cắt giảm ngân sách đầu tư ở các nhà máy và thiết bị mới, bên cạnh việc giảm sản lượng.

Tại Hàn Quốc, SK Hynix cũng đã cắt giảm đầu tư và thu hẹp sản lượng. Tình trạng dư thừa hàng tồn kho của công ty một phần là do ảnh hưởng từ việc mua lại mảng kinh doanh bộ nhớ flash của Intel, một thoả thuận được thực hiện trước khi ngành công nghiệp bán dẫn đứng trước bờ vực suy thoái.

Tuần trước, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Lam Research của Mỹ ghi nhận lượng đơn đặt hàng giảm chưa từng thấy do các khách hàng thực hiện cắt giảm hoặc hoãn chi tiêu. “Chúng tôi chứng kiến các biện pháp ứng phó đặc biệt trên thị trường chip nhớ. Đó là mức độ ứng phó mà chúng tôi chưa từng thấy trong 25 năm qua”, Giám đốc điều hành của Lam Research Tim Archer cho biết.

Các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn luôn gặp khó khăn khi đối mặt với nhu cầu tăng và giảm đột biến. Việc đưa các nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ mất nhiều năm và hàng tỷ USD đầu tư, do đó rất khó chọn đúng thời điểm tốt để công ty tăng công suất.

Những rủi ro đã khiến các công ty trong lĩnh vực bán dẫn trở nên thận trọng hơn, họ sẽ tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận thay vì cố gắng tăng trưởng nhanh chóng, cũng như giành thị phần.

Câu hỏi về triển vọng dài hạn đối với lĩnh vực chip bán dẫn được đặt ra là khi nào nhu cầu của khách hàng sẽ phục hồi trở lại. Chuyên gia phân tích Greg Roh của HMC Investment & Securities nhận định, việc Chính phủ Trung Quốc gần đây nới lỏng chính sách "zero-Covid" có thể là một chất xúc tác hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn, bởi các nhà sản xuất thiết bị điện tử sẽ có thể đưa các nhà máy sản xuất tại đất nước tỷ dân này trở lại hoạt động bình thường.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.