Khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 ngày 1/1/2023

CAO TỐC Việt nAM
12:12 - 29/12/2022
Khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2023.
Khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2023.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) sẽ được khởi công đồng loạt vào đúng dịp Tết Dương lịch 2023.

Chiều 28/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy phát biểu tại buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy phát biểu tại buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành phố tổ chức Lễ khánh thành dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 và Lễ Khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, sáng 31/12, Bộ GTVT sẽ tổ chức khánh thành dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại nút giao Cầu Tuần, xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tiếp đó, sáng 1/1/2023, Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đồng loạt diễn ra tại 12 dự án thành phần tại 9 tỉnh.

Trong đó 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ) trong đó điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) với sự tham dự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. 9 điểm cầu (9 gói thầu/9 dự án thành phần) còn lại diễn ra tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm), Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm).

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ đã hoàn thành đủ điều kiện để khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Thời gian từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đến khi khởi công là gần 1 năm, rút ngắn được một nửa so với việc thực hiện theo trình tự thủ tục thông thường.

"Đây là dự án liên kết nhiều nhất đến các tỉnh, thành phố trên cả nước, hành lang kinh tế quan trọng nhất trong các trục vận tải Bắc - Nam của nước ta”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh. Để hoàn thành công tác chuẩn bị dự án, các đơn vị từ tư vấn, ban quản lý dự án, địa phương, nhân dân vùng dự án đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ. Bên cạnh đó, tham gia dự án cơ bản là nhà thầu lớn, có năng lực. Việc triển khai dự án thể hiện sự quyết liệt của ngành GTVT đối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương châm thay đổi tư duy, cách làm để có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng đánh giá, việc tổ chức lễ khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đồng lòng của Nhân dân nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc; trong đó cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Đối với 13 gói thầu còn lại, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước Tết Nguyên đán Quý Mão.

Trả lời báo chí về vấn đề bố trí trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có đặc điểm ngoài khai thác công trình còn có các yếu tố khác mang tính chất kinh doanh.

Trong Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư xác định rõ nội dung việc xây dựng trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa và chi phí xây dựng không tính vào tổng mức đầu tư của dự án.

Bộ GTVT đã phê duyệt vị trí và quy mô các trạm dừng nghỉ và đang xây dựng cơ chế để đầu tư trạm dừng nghỉ, trong đó xây dựng Thông tư để kêu gọi đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ để đề xuất lựa chọn nhà đầu tư.

Trên thực tế hiện nay rất khó khăn trong việc xác định doanh thu của trạm dừng nghỉ vì không có phương pháp xác định, khó ước tính lượng xe sẽ vào trạm dừng nghỉ.

"Về việc một số trạm dừng nghỉ chưa đáp ứng với quy định hiện hành, chúng tôi đang tiếp tục rà soát", ông Thành thông tin.

Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường cao tốc cùng các cơ quan liên quan như Cục Đường bộ Việt Nam khảo sát, đánh giá và xây dựng Thông tư làm cơ sở kêu gọi đầu tư trạm dừng nghỉ để phục vụ các dự án cao tốc tiếp theo.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15) với tổng chiều dài 729 km, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Cụ thể, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).

Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Tin liên quan

Đọc tiếp