Kinh tế Việt Nam phục hồi chậm do thiếu hụt lao động

HSBC Việt nAM
13:18 - 09/11/2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo Vietnam At a Glance của HSBC nhận định về tình hình kinh tế 10 tháng 2021, tốc độ phục hồi sản xuất vẫn chậm trễ do thiếu hụt lao động, báo hiệu quý IV/2021 sẽ tăng trưởng không mạnh mẽ và dự đoán lạm phát do giá nhiên liệu tăng cao.

Phục hồi chậm chạp

Theo báo cáo HSBC công bố ngày 8/11/2021, mặc dù từ 01/10 Tp.HCM và các khu vực lân cận đã bắt đầu hoạt động trở lại sau 4 tháng siết chặt giãn cách, tuy nhiên, tốc độ khôi phục chuỗi cung ứng và giải quyết đơn hàng tồn đọng còn chậm chạp, nguyên nhân chính yếu là tình trạng thiếu hụt lao động do công nhân ồ ạt đổ về quê ngay sau khi hết giãn cách.

Tình hình xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tháng 10 càng phản ánh rõ nét khó khăn này, theo HSBC, tốc độ phục hồi sản xuất chậm trễ đang báo hiệu Quý IV/2021 sẽ tăng trưởng không mạnh mẽ.

Quyết định mở cửa lại nền kinh tế từ 01/10 khiến khả năng đi lại của người dân tăng lên đáng kể, tạo điều kiện phục hồi nhu cầu trong nước.

Nguồn: Báo cáo Vietnam At A Glance của Ngân hàng HSBC

Nguồn: Báo cáo Vietnam At A Glance của Ngân hàng HSBC

Mặc dù chỉ số bán lẻ giảm 28% trong tháng 10/2021 so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu là do kết quả năm ngoái khá cao, báo cáo HSBC cho thấy chỉ số bán lẻ tháng 10/2021 bằng 88% so với tháng 01/2019, một bước tiến lớn từ mức 74% trong tháng 09/2021.

Tuy nhiên, sự phục hồi chủ yếu diễn ra trong mảng mua bán hàng hóa do ngành dịch vụ vẫn còn bị giới hạn như hạn chế ăn uống tại chỗ, giải trí và du lịch.

Nguồn: Tổng cục thống kê
Nguồn: Tổng cục thống kê

Không được như hoạt động trong nước, sự phục hồi các động lực kinh tế bên ngoài Việt Nam khá chậm. Mặc dù xuất khẩu không còn bị âm trong tháng 10/2021, mức độ tăng trưởng còn quá thấp (0,3% so với cùng kỳ năm ngoái).

Theo HSBC, xuất khẩu hàng dệt may và da giày đã bớt trì trệ so với tháng 09/2021 nhưng vẫn sụt giảm 19% so với tháng 10/2020. Trong khi đó, xuất khẩu điện thoại giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu là do hiệu ứng cơ sở, còn linh kiện máy tính tiếp tục tăng trưởng dù hơi chậm so với trước khi bùng dịch chủng Delta.

Tình hình này thể hiện rõ hơn khi nhìn vào dữ liệu sản xuất công nghiệp: sản xuất công nghiệp cải thiện từ -7% trong Quý III lên -5,7% trong tháng 10/2021. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất vẫn giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái ở TP.HCM.

Thiếu hụt lao động trên diện rộng

Chuỗi cung ứng của Việt Nam phục hồi chậm phản ánh tình trạng thiếu hụt lao động trên diện rộng, đặc biệt trong những ngành dùng nhiều nhân công. Báo cáo của HSBC chỉ ra rằng, Pou Chen - công ty gia công giày lớn nhất thế giới, phục vụ cho các thương hiệu toàn cầu như Nike và Adidas, đã mở cửa hoạt động từ 06/10 nhưng lại thiếu hụt tới 70% lực lượng lao động (thông tin được cung cấp bởi Nikkei, ngày 20/10).

Trên thực tế, ngày 07/10/2021, Công ty Pou Chen Việt Nam (đóng tại phường Hóa An, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã mở cửa hoạt động sản xuất trở lại. Theo kế hoạch, công ty này có 1.500 công nhân ở các “vùng xanh”/tổng 16.000 công nhân được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai duyệt cho đi làm trở lại. Tuy nhiên, theo bộ phận nhân sự của công ty, ngày đầu tiên trong số 1.500 công nhân được đi làm trở lại thì chỉ có chưa đến 1.000 công nhân đến công ty làm việc.

Mặc dù Nike đã khôi phục hoạt động sản xuất của tất cả các nhà máy tại Việt Nam nhưng cũng không công bố công suất hiện tại. Đây cũng là một vấn đề trọng điểm được các đơn vị sản xuất nhấn mạnh trong khảo sát PMI (Chỉ số quản lý mua hàng), mặc dù chỉ số PMI tháng 10 đã tăng trở lại và lần đầu tiên trong vòng sáu tháng đã vượt ngưỡng 50.

Nguồn: Báo cáo Vietnam At A Glance của Ngân hàng HSBC

Nguồn: Báo cáo Vietnam At A Glance của Ngân hàng HSBC

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong tháng 10/2021, cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58,8 nghìn lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 09/2021.

Tính chung 10 tháng năm 2021, cả nước có 93,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.304,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 707,7 nghìn lao động, giảm 15,7% về số doanh nghiệp, giảm 18,2% về vốn đăng ký và giảm 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục thống kê

Nguồn: Tổng cục thống kê

Chia sẻ tại tọa đàm “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội" ngày 22/10 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đưa ra nhận định:

“Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động của các ngành kinh tế. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp phải tình trạng khi dịch COVID-19 xảy ra thì tỷ lệ thất nghiệp rất lớn, lao động rời thị trường nhiều. Ngược lại khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp sản xuất trở lại thì thiếu hụt lao động xảy ra".

Xét tình hình phục hồi sản xuất chậm trễ như hiện nay, Ngân hàng HSBC vẫn giữ quan điểm về khả năng phục hồi tăng trưởng ở mức 3,8% trong Quý IV/2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát: Giá nhiên liệu tăng cao

Báo cáo của HSBC cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 đã giảm 0,2% so với tháng trước, dẫn tới chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. HSBC nhận định: "Đây là một chỉ số đáng ngạc nhiên với thị trường (HSBC dự báo 2,2%; BBG dự báo 2,5%) với nguồn gốc sâu xa chủ yếu do áp lực giá dao động theo nhu cầu đã giảm xuống, cũng là một dấu hiệu cho thấy tình hình phục hồi kinh tế chậm chạp."

Nguồn: Báo cáo Vietnam At A Glance của Ngân hàng HSBC

Nguồn: Báo cáo Vietnam At A Glance của Ngân hàng HSBC

Mặc dù áp lực giá không còn, một vấn đề cần quan tâm theo dõi là giá nhiên liệu tăng. Cụ thể, chi phí vận chuyển trong tháng 10 tăng nhanh chóng 2,5% so với tháng trước, đóng vai trò nhân tố chính tạo ra lạm phát.

Mặc dù vậy, HSBC vẫn tin tưởng rằng nhu cầu trong nước dần phục hồi dù chậm vẫn có khả năng bù lại cho giá nhiên liệu tăng cao, "đồng thời chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ chỉ tăng lên 2,1% trong năm 2021. Khi nền kinh tế trở lại bình thường, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát lên 3,5% trong năm 2022."

Tin liên quan

Đọc tiếp