Việt Nam dẫn đầu sự phục hồi chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á

COVID-19 Việt nAM
09:48 - 09/11/2021
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà sản xuất linh kiện xe ôtô đang đẩy mạnh sản xuất trở lại ngay khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp phòng dịch, góp phần vực dậy chuỗi cung ứng của cả khu vực và trên thế giới.

Khi các ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh tại hầu hết các nước Đông Nam Á, những chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực cũng bước vào cuộc chạy đua phục hồi năng lực đầy đủ sau nhiều tháng các nhà máy bị đóng cửa hoặc sản lượng bị cắt giảm.

Trong đó, Nikkei Asia đánh giá Việt Nam là quốc gia đi đầu trong làn sóng này và đang chứng kiến sự phục hồi sản xuất nhanh chóng khi chính quyền cho nới lỏng phòng dịch. Theo thống kê, khoảng 200 nhà máy trên khắp Việt Nam có hợp đồng gia công sản phẩm thể thao cho hãng Nike hiện đều đã khôi phục lại sản xuất.

Các dây chuyền sản xuất xe ôtô tại Việt Nam như nhà máy Vinfast tại Hải Phòng này đang trở lại bình thường. Ảnh: Reuters

Các dây chuyền sản xuất xe ôtô tại Việt Nam như nhà máy Vinfast tại Hải Phòng này đang trở lại bình thường. Ảnh: Reuters

Một quan chức điều hành khu công nghiệp tại TP HCM, nơi đang có các nhà máy của Samsung Electronics và hãng Intel cũng cho biết, họ đang “tích cực hỗ trợ để các cơ sở sản xuất của cả hai công ty này có thể sớm khôi phục hoạt động đầy đủ ngay trong tháng này”.

Hoạt động của các nhà máy tại khu vực phía nam Việt Nam bắt đầu bị đình trệ từ hồi tháng 7 vừa qua khi bị siết quy định phòng dịch, nhằm ngăn chặn làn sóng lây lan nhanh của biến chủng Delta. Sau đó, các nhà máy muốn duy trì hoạt động phải thực hiện “ba tại chỗ”, trong đó công nhân được cung cấp khu ăn nghỉ ngay trong nhà máy để họ sinh hoạt và sản xuất khép kín, không được phép ra ngoài.

Bên cạnh đó, các nhà máy tại Việt Nam cũng được yêu cầu giảm số nhân công xuống còn 30% đến 50% so với bình thường để đảm bảo giãn cách phòng dịch. Những quy định chống Covid-19 nghiêm ngặt này khiến hàng loạt nhà máy phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng đáng kể.

Khi dịch dần được kiểm soát ở các tỉnh phía nam, số ca nhiễm Covid-19 giảm xuống trung bình 7.000 ca mỗi ngay so với đỉnh dịch gần 17.000 ca hồi tháng 8 thì các quy định phòng dịch cũng được nới lỏng từng bước. Các công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam, vốn có tầm quan trọng thiết yếu đối với ngành công nghiệp ôtô, đã đi đầu trong việc khôi phục sản xuất.

Nhờ đó chuỗi cung ứng hàng hóa đang bị tắc nghẽn của các nhà sản xuất ôtô trên khắp toàn cầu dần được giải quyết.

Trong số này, hãng Furukawa Electric của Nhật Bản đang kỳ vọng các nhà máy của họ tại Việt Nam sẽ sớm khôi phục sản xuất hoàn toàn. Chuỗi 3 nhà máy của hãng tại đây đang sản xuất các loại dây dẫn cho xe ôtô, trong đó riêng nhà máy tại TP HCM có khoảng 8.000 công nhân làm việc. Chủ tịch hãng Furukawa Electric là ông Keiichi Kobayashi cho biết: “Các dây chuyền của nhà máy hiện đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng”. Kể từ tháng 10 đến nay cả 3 nhà máy của hãng này ở Việt Nam đều đã được hoạt động trở lại.

Không chỉ tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 với sự hoành hành của biến chủng Delta còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp sản xuất ôtô của cả khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất dây dẫn cho xe hơi, trong khi Malaysia là trung tâm sản xuất các loại thiết bị bán dẫn.

Chuỗi cung ứng cả hai loại linh kiện quan trọng này đều bị thiếu hụt trong thời gian qua và đây là nguyên nhân chính khiến nhà Toyota và 7 nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản khác phải cắt giảm sản lượng trong tháng 9 xuống còn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng Việt Nam trong năm ngoái cung ứng tới 40% các loại dây dẫn dùng trong xe ôtô cho thị trường Nhật Bản. Các nhà máy sản xuất của các hãng Yazaki và Sumitomo Electric Industries đang đẩy mạnh khôi phục sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam và làn sóng này được kỳ vọng sẽ sớm giúp lĩnh vực sản xuất xe tại Nhật Bản trở lại bình thường.

Tại Malaysia, việc hơn 90% dân số trưởng thành được tiêm vaccine đầy đủ đã đem đến bình thường mới cho các nhà máy tại đây. Chủ tịch hãng lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn Unisem tại Malaysia là John Chia cho biết, các nhà máy của họ tại thành phố Ipoh đang quay trở lại sản xuất bình thường. Nhưng do công nhân nước ngoài chưa thể nhập cảnh và việc khó khăn trong việc tuyển dụng tại địa phương nên họ mới chỉ khôi phục được 80% năng lực sản xuất.

Trong bối cảnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng, nhà sản xuất chất bán dẫn Unisem đang phải xây dựng thêm nhà máy thứ ba của họ tại Thành Đô, Trung Quốc.

Việc đình trệ sản xuất của nhà máy Unisem tại Ipoh bị ảnh hưởng từ tháng 9 sau khi Malaysia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt và phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Điều này góp phần khiến chuỗi cung ứng linh kiện quan trọng trong sản xuất ôtô này trên toàn cầu bị ảnh hưởng, buộc nhiều nhà xuất xe phải cắt giảm sản lượng.

Tình hình dịch bệnh cũng khiến nhiều nhà sản xuất phải dịch chuyển các dây chuyền sản xuất ra khỏi khu vực Đông Nam Á để giải quyết sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Phòng Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam tiến hành cuộc thăm dò vào cuối tháng 8 cho kết quả có gần 1/5 các nhà sản xuất được hỏi cho biết họ đã phải chuyển các đơn hàng sản xuất ra khỏi Việt Nam vì dịch.

Tuy nhiên, tình hình tại Việt Nam đang khả quan hơn khi Covid-19 dần được kiểm soát và các nhà cung ứng tại đây đang chạy đua với thời gian để khôi phục sản xuất, nối lại những đứt gãy trong các ngành sản xuất vì gián đoạn chuỗi cung ứng của cả khu vực và toàn cầu.

Đọc tiếp