Làm rõ khả năng huy động vốn cho Quy hoạch bảo vệ, khai thác thủy sản

QUY HOẠCH THỦY SẢN
17:27 - 18/07/2023
Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản huy động 9.035 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn khoảng 1.250 tỷ đồng. Ảnh: VGP.
Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản huy động 9.035 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn khoảng 1.250 tỷ đồng. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Với dự kiến nguồn vốn 9.035 tỷ đồng cho Quy hoạch bảo vệ, khai thác thủy sản, Bộ KH&ĐT và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ NN&PTNT làm rõ tính khả thi huy động vốn cho Quy hoạch, nhất là ở giai đoạn 2021 – 2030.

Ngày 18/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là Quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/7/2023.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực và bảo tồn đa dạng sinh học biển, góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, Quy hoạch xác định có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 454.676 ha.

Trong số 27 khu bảo tồn biển, có 2 vườn quốc gia, 12 khu dự trữ thiên nhiên và 13 khu bảo tồn - sinh cảnh. Có 149 khu vực ở vùng biển và 119 khu vực vùng nội địa được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý hiệu quả nhằm bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non, khu vực tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Dự kiến, đến năm 2030, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,8 triệu tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với năm 2022. Số tàu cá khoảng 83.600 chiếc, giảm khoảng hơn 300.000 tàu so với hiện nay. Tổng lao động khoảng 600.000 người, giảm 130.000 lao động.

Quy hoạch tập trung hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng. Đến năm 2030, toàn quốc có 172 cảng cá và 161 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tập trung đầu tư 5 trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang gắn với các ngư trường trọng điểm và Trung tâm Phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới, đa dạng sinh học biển và nước ngọt được bảo tồn và phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Dự kiến hơn 9.000 tỷ đồng để thực hiện Quy hoạch

Bộ NN&PTNT dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch khoảng 9.035 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm gần 21%, vốn địa phương chiếm 24,5%, vốn huy động từ các nguồn khác chiếm 54,6%.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn khoảng 1.250 tỷ đồng, chiếm 13,8%, phần còn lại hơn 86% là của giai đoạn 2026 - 2030.

Quy hoạch dự kiến 5 nhóm dự án ưu tiên đầu tư, gồm: Đầu tư điều chỉnh thành lập mới khu bảo tồn biển, đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các khu vực bảo tồn biển, đầu tư hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở biển, lưu giữ bảo tồn nguồn gốc gen các loài thủy sản và đầu tư tăng cường năng lực các Viện nghiên cứu thủy sản.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch.

Bảo đảm tính khả thi của Quy hoạch ngay sau khi được phê duyệt

Thảo luận, góp ý dự thảo Quy hoạch, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, thành viên Hội đồng thẩm định nhìn nhận, thông tin được mô tả trong các báo cáo có tính cập nhật, đủ độ tin cậy và phản ánh đúng thực tế các thông tin "đầu vào" hiện có và phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực có ảnh hưởng đến nghề cá Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần làm rõ tính khả thi trong việc huy động nguồn vốn ngân sách cho giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện Quy hoạch.

Đây cũng là đánh giá của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Quy hoạch cần có danh mục dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cụ thể hơn và xác định rõ hơn khả năng huy động nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 để bảo đảm tính khả thi ngay sau khi Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh việc đánh giá cao Bộ NN&PTNT là đơn vị soạn thảo đã cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc lập lại trật tự khai thác thủy sản trong 20 - 30 năm tới là công việc rất khó khăn trong điều kiện nguồn lợi thủy sản suy kiệt, lượng tàu cá còn rất lớn, đồng thời đây là nghề lâu đời của bà con.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, trên cơ sở góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch trên nguyên tắc phải bảo đảm phù hợp, không xung đột với với các quy hoạch khác đang có giá trị hiện hành, bảo đảm tuân thủ đúng những nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được xây dựng trong bối cảnh hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển và vùng nội địa đang bị suy giảm nhanh chóng do các hoạt động khai thác quá mức, thậm chí hủy diệt. Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản chưa hoàn thiện, chưa được cập nhật đầy đủ và liên tục.

Do đó, Quy hoạch tập trung tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi trữ lượng nguồn lợi, đặc biệt các loài có giá trị kinh tế quan trọng, loài đặc hữu, loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Tăng quy mô, diện tích khu vực biển được bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Thành lập mới và hoạt động hiệu quả hệ thống mạng lưới các khu bảo tồn biển góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, ven biển và ven đảo, gắn bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái biển.

Cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở các khu vực sinh sản, khu ương nuôi nguồn giống thủy sản tập trung của các loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài nguy cấp, quý hiếm, loài bản địa và loài di cư hướng đến phục hồi. Cấm các loại nghề, ngư cụ khai thác gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh.

Hình thành nơi cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở vùng biển nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng.

Dự báo xu thế biến động, suy thoái môi trường. Ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tin liên quan

Đọc tiếp