Lỗ hổng chống dịch trên chuyến bay từ Nam Phi

omicron THẾ GIỚI
16:55 - 02/12/2021
0:00 / 0:00
0:00
Sự lỏng lẻo, thiếu thống nhất trong các quy định phòng chống Covid-19 và sự chủ quan, không tuân thủ đeo khẩu trang là nguyên nhân khiến rất nhiều hành khách trên chuyến bay xuất phát từ Nam Phi bị nhiễm bệnh và lan truyền biến chủng mới Omicron.

Đối với hàng trăm hành khách từ Nam Phi đến Amsterdam hôm 26/11, chuyến bay KL592 ban đầu cũng giống bao hành trình được cho là bình thường trong thời Covid-19. Khi đến sân bay Nam Phi, họ mang theo đủ loại giấy tờ chứng minh mình đủ điều kiện bay, trong khi các nhân viên làm thủ tục kiểm tra một loạt yêu cầu được giới chức nơi các hành khách sắp đến đưa ra.

Một số quốc gia như Mỹ yêu cầu hành khách đã tiêm vaccine vẫn phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, nhưng một số nước khác thì không. Trên chuyến bay dài tới Amsterdam hôm đó chỉ có vài người đeo khẩu trang, trong khi các tiếp viên đa phần đều kéo khẩu trang xuống, một số còn để hở hoàn toàn miệng và mũi.

Tuy nhiên, khi máy bay đang trong hành trình từ Nam Phi tới thủ đô Hà Lan thì mọi thứ trên mặt đất bắt đầu thay đổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi đó đã đưa ra thông tin về Omicron, biến chủng được Nam Phi báo cáo, là "biến chủng đáng lo ngại". Ngay lập tức, hàng loạt quốc gia áp lệnh hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi, thậm chí đóng biên giới hoàn toàn.

Chuyến bay KL592 ban đầu cũng giống bao hành trình được cho là bình thường trong thời Covid-19. Ảnh: AP

Chuyến bay KL592 ban đầu cũng giống bao hành trình được cho là bình thường trong thời Covid-19. Ảnh: AP

Nguy cơ dịch bệnh tiềm tàng trên chuyến bay

Khi chuyến bay KL592 hạ cánh xuống sân bay Amsterdam, các hành khách bất ngờ phải đối mặt hiện thực mới là trải qua hàng giờ đồng hồ phải hít thở trong bầu không khí ngột ngạt trên máy bay đậu ở đường băng, uể oải trong phòng chờ chật chội, mong ngóng kết quả xét nghiệm. Đặc biệt là nỗi hoang mang là ở đâu đó trong số những hành khách bên cạnh có thể đã bị nhiễm một biến chủng mới Omicron từ Nam Phi.

Jan Mezek, 39 tuổi, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại một công ty cung cấp máy xét nghiệm dịch hầu họng đang trở về nhà tại Prague, Czech, sau chuyến công tác hai tuần ở Nam Phi, cho biết: "Tất cả húng tôi đều ở cùng một nơi, trong cùng một phòng. Tôi thấy mình giống như đang bị nhốt trong lồng, giữa những người có thể đã nhiễm virus xung quanh".

Hơn 60 người đã bị cách ly tại một khách sạn gần Sân bay Schiphol ở Amsterdam sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 27/11. Ảnh: AP

Hơn 60 người đã bị cách ly tại một khách sạn gần Sân bay Schiphol ở Amsterdam sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 27/11. Ảnh: AP

Theo giới chức y tế Hà Lan, trong số hơn 60 người trên chuyến bay này và một chuyến bay của KLM khác cũng từ Nam Phi đến có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, có ít nhất 14 người nhiễm biến chủng Omicron. Hà Lan ngay lập tức cách ly họ, đồng thời yêu cầu hàng trăm hành khách khác làm xét nghiệm PCR ngay tại sân bay. Những người có kết quả âm tính được phép trở về nhà hoặc lên các chuyến bay nối chuyến tới điểm đến cuối cùng của họ.

Tuy nhiên, Fabrizio Pregliasco, nhà virus học nổi tiếng tại Đại học Milan, Italy, phân vân: "Họ đã đi khắp thế giới, không ai biết họ ở đâu?". Theo ông, tất cả hành khách trên hai chuyến bay lẽ ra phải được cách ly hoặc theo dõi chặt chẽ từ 7-10 ngày. Bởi rất có thể họ đã nhiễm virus trên máy bay, nhưng vẫn nhận kết quả xét nghiệm âm tính vì đang trong thời gian ủ bệnh.

"Nếu biến chủng này rất dễ lây lan, thì chuyến bay đó là một quả bom nổ chậm", ông nhận định.

WHO xác định Omicron là biến chủng "có nguy cơ lây nhiễm cao", nhưng tới nay chưa có các bằng chứng khoa học vững chắc về mức độ lây truyền hay độc lực của nó. Omicron hiện vẫn là một ẩn số mơ hồ. Sẽ mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, để biết liệu thế giới chỉ đang phản ứng thái quá hay nó thực sự là một biến chủng mới rất dễ lây lan, thậm chí có khả năng kháng vaccine hay không.

Các tiêu chí xét nghiệm và cách ly trước khi lên máy bay khác nhau, gây ra nhiều bối rối với hành khách. Ảnh: AP

Các tiêu chí xét nghiệm và cách ly trước khi lên máy bay khác nhau, gây ra nhiều bối rối với hành khách. Ảnh: AP

Những lỗ hổng trong quy định phòng chống dịch

Chuyến bay của hãng KLM nói trên, giống như các chuyến bay khác trong thời kỳ đầu của đại dịch, đều tiềm ẩn nguy cơ siêu lây nhiễm. Điều này cho thấy những lỗ hổng trong phòng chống dịch toàn cầu vẫn chưa thực sự được cải thiện. Các tiêu chí xét nghiệm và cách ly không giống nhau, quy định đeo khẩu trang và truy vết tiếp xúc thiếu nhất quán, đôi khi còn lỏng lẻo trên phạm vi thế giới.

Ngay cả các nước trong Liên minh châu Âu (EU) cũng có các tiêu chí xét nghiệm và cách ly đối với hành khách trước khi lên máy bay khác nhau, điều này gây ra nhiều bối rối với người đi máy bay. Theo Karen A. Grépin, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Đại học Hong Kong, những quy định đối với hành khách trên bất kỳ chuyến bay nào thường được xác định bởi điểm đến cuối cùng của họ.

Trên thực tế, các nước và hãng hàng không thường có yêu cầu sàng lọc y tế riêng, vì thế hành khách chuyển tuyến đôi khi phải đáp ứng các tiêu chí không thống nhất. Kết quả là trên cùng chuyến bay, mỗi hành khách có thể được sàng lọc với những tiêu chí khác nhau.

Ngoài ra, trách nhiệm xử lý những thông tin hỗn loạn này thường thuộc về nhân viên quầy thủ tục. Bên cạnh việc kiểm tra hộ chiếu và cân hành lý, họ giờ đây còn phải am hiểu hàng chục quy định về xét nghiệm, cách ly ở từng nước khác nhau. Họ đang đảm đương trọng trách của cả lực lượng biên phòng, thanh tra y tế lẫn lãnh sự.

Phát ngôn viên, đại diện hãng hàng không Hà Lan KLM, Marjan Rozemeijer đã lên tiếng xin lỗi hành khách trên hai chuyến bay từ Nam Phi trở về Amsterdam hôm 26/11. Ông nói rằng, phía hãng bay cũng mất cảnh giác trước biến chủng Omicron như tất cả mọi người.

Khi hai máy bay hạ cánh tại sân bay Schiphol, công ty đã "được chính phủ Hà Lan yêu cầu đưa phi cơ đến một địa điểm định sẵn để tiến hành xét nghiệm tất cả hành khách". Rozemeijer cho biết thêm rằng, sân bay và cơ quan y tế công cộng Hà Lan là bên đứng ra tổ chức xét nghiệm.

Tuy nhiên, Willem Van den Oetelaar, phát ngôn viên của cơ quan y tế công cộng Hà Lan lại khẳng định, họ đã nỗ lực kiểm soát và không thấy có gì sai khi để hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính tiếp tục hành trình của họ. "Không có lý gì chúng ta nên hạn chế mọi người di chuyển nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính", người phát ngôn nói.

Ông cho biết, họ ra quyết định dựa trên hướng dẫn từ Bộ Y tế Hà Lan. "Chúng tôi không biết hành khách đi đâu và cũng không có lý do gì chúng tôi cần biết".

Song, Bộ Y tế Hà Lan lại cho rằng ngay cả những hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn phải được cách ly. Van den Oetelaar cho hay cơ quan ông cũng đã thực hiện một động thái đặc biệt khi cố gắng liên lạc với tất cả những người có mặt trên hai máy bay và khuyên họ cách ly, đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi họ đến.

Dù hiện tại bạn không xuất hiện triệu chứng, nhưng bạn vẫn có nguy cơ cao đã nhiễm virus. Ảnh: AP

Dù hiện tại bạn không xuất hiện triệu chứng, nhưng bạn vẫn có nguy cơ cao đã nhiễm virus.

Ảnh: AP

Nín thở chờ đợi

WHO cho biết, công tác truy vết tiếp xúc phụ thuộc vào từng quốc gia nơi các ca bệnh được phát hiện. Điều này đang nằm ngoài nội dung hoạt động của tổ chức.

Mezek, người đã tiêm đủ vaccine Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính, cho hay ông đã nhận được cuộc gọi từ cơ quan tế công cộng Hà Lan vào ngày 27/11. Sau đó, một email được gửi đến, khuyên ông không nên ra khỏi nhà và yêu cầu ông cung cấp thông tin chi tiết về hành trình của mình sau khi rời Hà Lan.

Mezek cũng được khuyên xét nghiệm lại 5 ngày sau chuyến bay từ Nam Phi đến Amsterdam. Hiện ông đang tự cách ly. Giới chức Czech liên hệ hôm 29/11 để đảm bảo rằng ông ở yên trong nhà và không xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh. Nhưng Mezek cũng chia sẻ rằng, nếu theo kế hoạch ban đầu và về sớm hơn một ngày, trước khi Czech thắt chặt các quy định, ông sẽ về nhà và tiếp xúc với vợ con. "Tôi có thể đã không tự cách ly", ông nói thêm.

Trong khi đó, sau khi biến chủng Omicron được phát hiện vào tuần trước, Mỹ và EU cùng hàng loạt nước khác đã cấm các chuyến bay từ khu vực phía nam châu Phi. Israel, Nhật Bản và Morocco đã đóng cửa biên giới, trong khi Australia cùng nhiều nước khác hoãn mở cửa và tái áp đặt một số biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.