Một cổ phiếu ngân hàng ngược dòng tăng gần 14% trong phiên ‘thứ Hai đen tối’

KLB KienlongBank
16:12 - 20/06/2022
Các mã đỏ và xanh lơ la liệt trên sàn HoSE. Vietstock
Các mã đỏ và xanh lơ la liệt trên sàn HoSE. Vietstock
0:00 / 0:00
0:00
Chứng khoán Việt Nam lại mở đầu tuần mới với màu đỏ rực lửa. VN-Index giảm gần 37 điểm, đánh mất mốc hỗ trợ mạnh 1.200 điểm. La liệt cổ phiếu bị kéo nằm sàn, giảm mạnh, tuy nhiên vẫn có những mã ngược dòng, thậm chí tăng mạnh gần 14% như KLB.

Với việc rơi điểm mạnh trên, VN-Index lùi về vùng 1.180,4 điểm. HNX cũng giảm hơn 12 điểm, về mốc 267,92; còn UPCoM giảm 1,6 điểm. Có 225 mã nằm sàn, 474 mã giảm giá.

Tổng giá trị giao dịch đạt 18.525 tỷ đồng. Trong đó khối ngoại chiếm hơn 3.200 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 600 tỷ đồng, HPG, MWG và VND là 3 mã bị bán mạnh nhất. Tiếp sau là DGC, VCB, SSI, DGW, HDG, DXG, DIG… Ngược lại, VNM được mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 60 tỷ đồng. DPM, VGC, VHC, CTG, GAS, TPB… cũng nhận được dòng tiền ngoại lớn.

Chỉ số VN30 hôm nay cũng giảm hơn 32 điểm. GAS, HPG, POW, STB và SSI là những mã bị giảm hết biên độ. Nhiều mã khác cũng giảm mạnh 5-6% như BID, MSN, PLX… Chiều tăng chỉ còn VJC (+1,7%) và VNM (+3,5%). Từ phiên 15/6 đến nay, cổ phiếu của Vinamilk bật tăng mạnh từ vùng đáy 64.600 đồng. Kết phiên hôm nay, VNM về lại mức giá 69.000 đồng.

Vinamilk vừa thông báo sẽ triển khai thanh toán cổ tức còn lại của năm 2021 tỷ lệ 9,5% và tạm ứng cổ tức đợt 1 của năm 2022 tỷ lệ 15%. Toàn bộ sẽ được trả bằng tiền mặt với tổng mức chi 24,5%. Với 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk dự kiến thanh toán số tiền tổng cộng 5.120 tỷ đồng cho các cổ đông. Ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền là vào 7/7 và thời gian thanh toán thực tế vào ngày 19/8.

Xét về nhóm ngành, chỉ còn nhóm thủy sản ở chiều tăng giá với ACL tăng trần, FMC +2,6%, IDI +2,7%, VHC +0,7%... Ngược lại, khai khoáng là nhóm giảm giá mạnh nhất với 7,3% vốn hóa đã bốc hơi. Trong đó, 3 mã dầu khí PVC, PVD và PVS nằm sàn. BSR, OIL, PTV, PVB, PLX… cũng giảm sâu.

Các nhóm còn lại cũng bị chiết khấu sâu, giảm từ 2-6% vốn hóa. Nhóm chứng khoán la liệt các mã nằm sàn. Nhóm ngân hàng vẫn có một số mã giữ được sắc xanh nhưng đều là các mã nhỏ nên không đủ sức cân bằng như BVB, EIB, PGB, SGB, SHB, VAB. Đáng chú ý nhất là KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) tăng 13,9%.

Thời gian qua, KLB giao dịch không ổn định với nhiều phiên tăng mạnh nhưng cũng không ít phiên nằm sàn. Trong tuần trước, đây là mã ngân hàng giảm mạnh nhất với mức -21,6%. Còn tính từ phiên 22/3 đến nay, KLB đã giảm hơn 40% khi xuống dốc từ vùng đỉnh gần 40.000 đồng/cp. Kết phiên hôm nay. KLB đứng ở mức giá 23.800 đồng.

Cổ phiếu KLB giao dịch thất thường. TradingView

Cổ phiếu KLB giao dịch thất thường. TradingView

Vì sao thị trường thường giảm mạnh vào thứ Hai?

Vài tháng trở lại đây, thứ Hai đã trở thành ngày ám ảnh với giới đầu tư chứng khoán bởi những pha giảm điểm sâu. Trong phiên thứ Hai tuần trước, VN-Index cũng giảm 59 điểm. Còn trong 20 phiên giảm mạnh nhất tính từ 13/06/2021 tới nay có 11 phiên rơi vào thứ Hai.

Lý giải về việc chứng khoán giảm sâu trong ngày thứ Hai, trong chương trình Bí mật Đồng tiền, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI cho biết, hiệu ứng "Black Monday" cũng là xu hướng chung trên thế giới. Hiệu ứng thường xảy ra bởi có xác suất các thông tin xấu về doanh nghiệp, về thị trường sẽ được công bố sau giờ giao dịch của hôm thứ Sáu.

Ông Hưng lý giải, thông thường tin xấu ra cuối tuần thì nhà đầu tư sẽ có thêm thời gian suy nghĩ một cách kỹ lưỡng về các tác động. Sau đó, họ sẽ có cách hành xử phù hợp vào thứ Hai thay vì bị bất ngờ trong giờ giao dịch để có hành động không đúng. Tuy nhiên, sau 2 ngày nghỉ giao dịch, cũng có trường hợp nhà đầu tư tư duy còn xấu hơn. Do đó, hiệu ứng cuối tuần của tin xấu đôi khi càng tạo hiệu ứng xấu hơn vào thứ Hai, lúc đó sẽ có các phiên giảm mạnh.

Nhận định về yếu tố tác động tới thị trường trong nước hiện tại, chuyên gia chứng khoán đề cập đến các biến động quốc tế. Hiện Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang bước vào cuộc họp và giới đầu tư dự báo cơ quan này có thể tăng lãi suất cao nhất trong vòng 30 năm khi lạm phát vẫn tăng nhanh. Việc Fed tăng lãi suất có thể gây ra lo ngại nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Nhà đầu tư đã bán mạnh cổ phiếu khiến chứng khoán Mỹ rơi vào thị trường "gấu" (mất 20% từ vùng đỉnh). Đây là điều ít khi xảy ra và thường được xem là thềm của suy thoái.

Tuy nhiên, Kinh tế trưởng SSI tin rằng suy thoái không thể xảy ra ngay được, ít nhất phải từ năm 2023 trở đi.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.