'Một luật không thể bảo vệ hết quyền lợi người tiêu dùng'

Người tiêu dùng Việt nAM
18:04 - 18/01/2022
'Một luật không thể bảo vệ hết quyền lợi người tiêu dùng'
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, đồng thời cần sự tham gia điều chỉnh của nhiều bộ luật liên quan. 

Sáng 18/1, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự kiện này nhằm thông tin rộng rãi những chính sách sửa đổi trong luật mới tới cộng đồng doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng - những đối tượng chính chịu tác động từ luật để có cái nhìn khách quan, đa chiều.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 90 triệu người tiêu dùng. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn gắn kết với trách nhiệm của doanh nghiệp, do đó việc tổ chức lấy ý kiến sẽ giúp bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Ảnh minh họa: người dân mua sắm tại siêu thị.

Ảnh minh họa: người dân mua sắm tại siêu thị.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi xem xét đánh giá những điểm mới, hành vi mới, biểu hiện mới; rà soát các quy luật hiện hành về giao dịch điện tử, luật an ninh mạng và tất cả các luật liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi người tiêu dùng.

Dự thảo gồm 7 chương 80 điều, so với Luật hiện hành năm 2010 sửa đổi 38 điều, thêm mới 29 điều.

Ảnh tác giả

Một luật không thể đứng ra bảo vệ hết quyền lợi người tiêu dùng, một cơ quan cũng không thể đứng ra bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Muốn bảo vệ người tiêu dùng trong luật đã khẳng định rất rõ, bảo vệ người tiêu dùng phải là trách nhiệm chung của xã hội, là sự tham gia của nhiều cơ quan, nhiều luật liên quan.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh.

Theo ông, bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến

Để phù hợp với bối cảnh nhu cầu giao dịch trên các sàn thương mại điện tử diễn ra mạnh mẽ, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đề xuất nhiều hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, đối với nền tảng trung gian trực tuyến. Đây được xem là một trong những điểm mới nhất của dự thảo.

Cụ thể, cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Dự luật cũng cấm quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị sản phẩm, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng;

Cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, dịch vụ không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn.

Mặt khác, luật cũng cấm sử dụng hoặc lợi dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người có ảnh hưởng, có uy tín nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, mà không thông báo trước cho người tiêu dùng đây là các nội dung được tài trợ.

Trong cuộc thảo luận, ông Vũ Tú Thành- thành viên hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-Asean đã đưa ra gợi mở cho cơ quan soạn thảo và sửa đổi Luật. Ông cho rằng, người tiêu dùng khi tham gia giao kết hợp đồng mong muốn nhận được dịch vụ từ đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, đối với các dịch vụ hoàn toàn miễn phí trên Internet thì từ góc độ căn bản chúng ta phải bảo vệ cái gì, chống lại ai?

Bởi lẽ, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xây dựng căn cứ trên sản phẩm, dịch vụ trao đổi giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp. Nhưng nếu bạn dùng sản phẩm dịch vụ miễn phí thì bạn chính là sản phẩm, rõ ràng hơn, thông tin, dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng chính là sản phẩm.

Chính vì thế, theo ông, Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần quan tâm sâu sắc tới vấn đề này.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Tuy nhiên, trong hơn 10 năm thực thi (2011-2022), bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...

Chính vì vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn… nên việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.