Người tiêu dùng Mỹ 'ngao ngán' cảnh khan hiếm thực phẩm

mua sắm MỸ
07:25 - 13/01/2022
Những kệ hàng trống tại một siêu thị thuộc thành phố Cranberry Township, bang Pennsylvania, Mỹ, ngày 11/1. Ảnh: AP
Những kệ hàng trống tại một siêu thị thuộc thành phố Cranberry Township, bang Pennsylvania, Mỹ, ngày 11/1. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng khan hiếm thực phẩm tại nhiều nơi ở Mỹ ngày càng trầm trọng trong những tuần gần đây khi các vấn đề xảy ra đồng thời như chủng Omicron lây lan nhanh và thời tiết khắc nghiệt, gây đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu lực lượng lao động.

Benjamin Whirily đã đến một siêu thị Safeway ở Washington D.C. để mua đồ nấu bữa tối, nhưng ông không khỏi thất vọng khi thấy quầy rau héo, trên giá chỉ còn ít thịt gà và sữa.

“Có vẻ tôi đã đến quá trễ. Bây giờ tôi phải đi tìm khắp nơi để mua được đồ”, ông Whitely, 67 tuổi, ngán ngẩm nói.

Những kệ hàng trống rỗng do cung ứng đứt gãy

Tình trạng thiếu hụt tại các cửa hàng thực phẩm ở Mỹ đang diễn ra ngày càng trầm trọng hơn trong những tuần gần đây. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron, thời tiết khắc nghiệt và thiếu nhân công đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo áp lực lớn cho các nhà bán lẻ của Mỹ.

Theo hãng tin AP, đây không phải là vấn đề của chỉ một vài khu vực của Mỹ. Geoff Freeman, Chủ tịch Hiệp hội Thương hiệu tiêu dùng Mỹ cho biết, các cửa hàng thực phẩm của Mỹ thường chỉ thiếu từ 5% đến 10% hàng hóa. Nhưng hiện nay, tỉ lệ này đang ở xấp xỉ ở ngưỡng 15%.

Các tủ lạnh trong siêu thị cũng trống không. Người dân Mỹ vội vã mua sắm, tích trữ mọi thứ do lo sợ những tình huống xấu xảy ra. Ảnh: AP

Các tủ lạnh trong siêu thị cũng trống không. Người dân Mỹ vội vã mua sắm, tích trữ mọi thứ do lo sợ những tình huống xấu xảy ra. Ảnh: AP

Theo FMI, một tổ chức về thương mại thực phẩm, ước tính một hộ gia đình Mỹ trung bình đã chi 144 USD/tuần cho thực phẩm tại cửa hàng tạp hóa vào năm ngoái. Con số này mặc dù đã giảm so với mức 161 USD/tuần vào năm 2020, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với 113,50 USD/tuần mà các hộ gia đình đã chi vào năm 2019.

Thêm vào đó, tình trạng thiếu hụt số lượng tài xế xe tải cũng đang là một vấn đề. Hiệp hội Vận tải Mỹ ước tính nước này thiếu kỷ lục 80.000 tài xế trong tháng 10/2021. Khó khăn trong khâu vận chuyển ảnh hưởng mọi thứ, từ hàng nhập khẩu đến bao bì in ấn ở nước ngoài..

Các nhà bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm đã phải điều chỉnh theo diễn biến thực tế. Kể từ đầu năm 2020 – thời kỳ đầu đại dịch, việc mua sắm của người dân trở nên hoảng loạn hơn, khiến các nhà bán lẻ không kịp trở tay. Hiện tại, nhiều cửa hàng đang dự trữ nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu hơn để tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng.

Jessica Dankert, Phó chủ tịch Chuỗi cung ứng tại Hiệp hội các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp bán lẻ cho biết, những kệ hàng trống rỗng là một hiện tượng hiếm gặp trong 20 tháng qua. Hiện tại, các nhà bán lẻ đang đối mặt với khó khăn chồng thêm khó khăn.

Dịch Covid-19 và thiên tai bủa vây

Cũng giống như sự thiếu hụt nhân sự tại các bệnh viện, trường học và văn phòng, biến chủng Omicron cũng gây ảnh hưởng đến các dây chuyền sản xuất thực phẩm. Số nhân công xin nghỉ phép vì các vấn đề liên quan tới biến chủng Omicron đang tăng lên.

Trong tuần trước, chủ tịch Sean Connolly của hãng thực phẩm Conagra Brands thông báo với các nhà đầu tư rằng nguồn cung từ các cơ sở tại Mỹ của công ty sẽ còn khan hiếm hơn, ít nhất là hết tháng sau vì không đủ người lao động.

Dịch bệnh, thiên tai đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: AP

Dịch bệnh, thiên tai đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: AP

Thiếu nhân công cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các cửa hàng tạp hóa. Giám đốc điều hành Stew Leonard của chuỗi siêu thị Stew Leonard’s cho biết, 8% nhân viên của công ty (khoảng 200 người) đã mắc bệnh hoặc đang trong tình trạng cách ly. Thông thường, mức độ vắng mặt của nhân viên ở Stew Leonard’s chỉ khoảng 2%.

Các vấn đề liên quan đến thời tiết, từ bão tuyết ở vùng Đông Bắc đến cháy rừng ở Colorado, cũng đã ảnh hưởng đến tính sẵn có của sản phẩm và khiến một số người mua sắm dự trữ nhiều hơn bình thường, làm trầm trọng thêm bài toán khó hiện nay.

Lisa DeLima, người phát ngôn của Mom's Organic Market, cho biết các cửa hàng của công ty không còn hàng hóa trong kho dự trữ vào cuối tuần trước vì thời tiết mùa đông đã cản trở các xe tải đi từ Pennsylvania đến Washington.

Tuy nhiên, bà vẫn lạc quan rằng “nút thắt cổ chai” trong khâu cung ứng sẽ sớm được giải quyết. Theo bà, sự thiếu hụt hàng hóa ở một số sản phẩm trong thời điểm này chẳng là gì so với tình trạng khan hiếm dai dẳng vào đầu đại dịch.

“Mọi người không cần phải hoảng loạn tích trữ đồ”, bà nói. “Sẽ có rất nhiều hàng hóa đến. Chỉ là phải mất một chút thời gian nữa để vận chuyển từ địa điểm A đến địa điểm B”.

Tuy nhiên, Jessica Dankert cho rằng đây là một trục trặc tạm thời. Nước Mỹ sẽ sớm ổn định trở lại, mô hình mua sắm sẽ diễn ra bình thường, bất chấp các vấn đề về chuỗi cung tiếp tục diễn ra và tình trạng thiếu lao động tiếp tục diễn ra.

Triển vọng không lạc quan

Theo ông Freeman, thuộc Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng, sự gián đoạn liên quan đến Omicron có thể mở rộng hơn khi biến chủng này đang lây lan mạnh đến vùng Trung Tây nước Mỹ, nơi nhiều công ty thực phẩm đóng gói lớn như Kellogg và General Mills đang hoạt động sản xuất.

Freeman cho rằng chính phủ liên bang nên có thêm các chính sách hỗ trợ để đảm bảo rằng các nhân viên ngành sản xuất thực phẩm thiết yếu được kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Ông cũng mong muốn sớm thống nhất những quy định như quy trình cách ly đối với những công nhân bị mắc Covid-19. Ông cho biết, thực tế hiện nay cho thấy các công ty đang đối phó với sự chắp vá của các quy định địa phương.

“Tôi nghĩ, những quy định này cần được giảm tải và trọng tâm hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta tiếp tục sống trong sự lo lắng về việc virus sẽ bùng phát bất cứ khi nào, hay chúng ta có thể xét nghiệm Covid-19 thường xuyên hơn và sống như bình thản như trước đây”.

Doug Baker, Phó chủ tịch Quan hệ ngành của FMI, cho biết về lâu dài hơn, có thể sẽ mất một thời gian để các công ty thực phẩm và tạp hóa tìm ra các mô hình hỗ trợ mua sắm cho khách hàng, đáp ứng mọi nhu cầu được đặt ra.

Ông nói: “Chúng tôi đã kịp thời phân bổ hệ thống tồn kho đúng thời điểm nhu cầu hàng hóa đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ rằng, các kho tích trữ sẽ hữu ích trong những lúc như thế này và cả tương lai nữa”.

Nhiều chuyên gia cũng chưa ra dự báo rằng, trong bối cảnh hiện nay, chưa thể chắc chắn đến khi nào các kệ hàng thực phẩm của Mỹ mới thoát khỏi tình trạng khan hiếm, người dân không phải hoảng loạn mua hàng tích trữ. Bài toán phân phối hàng hóa và bình ổn tiêu dùng mùa Covid-19 vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp đúng đắn nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp