Một số ngân hàng siết tín dụng vào bất động sản

NGÂN HÀNG bđs
20:18 - 02/04/2022
Một số ngân hàng siết tín dụng vào bất động sản
0:00 / 0:00
0:00
Lo sợ vượt trần do tỷ trọng cho vay bất động sản đang tăng mạnh, một số ngân hàng đang có động thái tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân cho vay với mảng này.

Ngân hàng Sacombank vừa có văn bản yêu cầu các giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch triển khai và điều hành hoạt động cho vay tại đơn vị với nhiều nội dung. Theo đó, sẽ tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic…

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Sacombank sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở.

Tương tự như vậy, Techcombank cũng có thông báo về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận kể từ ngày 25/3/2022.

Giá bất động sản tăng, sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương, khiến người dân ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực này. Tín dụng ngân hàng quý I/2022 cũng tăng hơn 4%, gấp 2,5 lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái, riêng tín dụng tháng 3/2022 tăng tới hơn 2%, trong khi sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng tốt chứng tỏ dòng tiền chủ yếu đi vào bất động sản.

Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.

Để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế, trước đó, ngày 18/3, ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, trong đó yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.