Mức độ phát triển công nghiệp xe hơi là thước đo ngành sản xuất

Công nghiệp Việt nAM
21:16 - 28/12/2022
TS. Trần thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu khai mạc hội thảo.
TS. Trần thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu khai mạc hội thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội thảo Phát triển công nghiệp ở Việt Nam ngày 28/12, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định mức độ phát triển công nghiệp xe hơi là thước đo sự phát triển của ngành sản xuất, kinh tế quốc gia, thể hiện cho mức sống của người dân.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, phục hồi sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đang chứng kiến những điểm sáng trong việc định hình tư duy, cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo động lực cho việc hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, phát triển công nghiệp là một trong những trọng tâm và là động lực phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phục hồi bền vững, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2045 là nước có thu nhập cao, Việt Nam cần tư duy mới về quá trình và mục tiêu phát triển nhằm tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp trong nước, trong đó chú trọng đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.

Công nghiệp xe hơi là trái tim của phát triển công nghiệp tại Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định phát triển công nghiệp xe hơi là điều quan trọng, được coi là thước đo sự phát triển của ngành sản xuất, kinh tế quốc gia, thể hiện cho mức sống của người dân. Công nghiệp xe hơi là công nghiệp ứng dụng, những công nghệ thuộc ngành này còn được ứng dụng để phát triển các phương tiện di động, nhằm phục vụ các hoạt động khác của đời sống như hạ tầng, máy bay, quân sự...

Nhấn mạnh phát triển công nghiệp xe hơi là một trong lĩnh vực quan trọng và là xu hướng thế giới, TS. Yasushi Ueki thuộc Tổ chức IDE – JETRO cho biết, quy mô thị trường xe hơi tại Việt Nam có thể đạt 1 triệu xe/năm vào năm 2030, như vậy, quy mô thị trường của Việt nam đã đủ lớn để phát triển công nghiệp sản xuất xe hơi.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khả năng sản xuất trong nước của Việt Nam mới chỉ khoảng 600.000 chiếc/năm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, cần có các chính sách, giải pháp, nỗ lực từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp để phát triển hơn nữa năng lực sản xuất xe hơi trong nước.

Trong đó, về phía các chính sách, ông Yasushi cho rằng cần có các chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp phát triển như chính sách về thuế, ngoài ra còn cần các chính sách về phát triển lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển công nghệ, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp phụ trợ…

"Để tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam cần phát triển xanh, giảm phát thải theo xu hướng thế giới, cải tiến, đi tắt đón đầu công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở và các ngành công nghiệp phụ trợ".

TS. Yasushi Ueki

Chuyên gia người Nhật bản cho rằng, để tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam cần phát triển bền vững, giảm phát thải theo xu hướng thế giới, cải tiến, đi tắt đón đầu công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở và ngành công nghiệp phụ trợ.

Theo đó, việc áp dụng các công nghệ điện khí hóa vào sản xuất xe hơi sẽ giúp giảm phát thải, giảm chi phí, giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tăng cường chuyển đổi số và áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… trong ngành sản xuất xe hơi như việc tự động hóa các dây chuyền, ứng dụng AI vào việc thiết kế hệ thống tự lái trên xe hơi…

Cần cân nhắc những hệ lụy sau khi phát triển ngành xe hơi

Ông Fusanori Iwasaki, đại diện của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho rằng, trong quá trình phát triển ngành công nghiệp xe hơi, Việt Nam cũng cần cân nhắc giảm các chi phí xã hội, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng dụng hạ tầng công nghệ thông qua phát triển công nghệ số hóa.

Ông Fusanori đánh giá cao việc phát triển xe điện thân thiện với môi trường, đồng thời tích hợp công nghệ thông tin vào công nghệ xe điện. Trong đó, kiến nghị giải pháp liên kết dữ liệu các xe hơi lưu thông nhằm nắm bắt được vị trí xe, tiến tới điều phối, giảm tình trạng tắc đường, mặt khác, tích hợp với hệ thống hỗ trợ lái xe tự động, nếu các xe đến quá sát nhau thì sẽ kích hoạt hệ thống phanh tự động, nhằm làm giảm thiểu khả năng tai nạn giao thông.

Kiến nghị về chiến dịch phát triển công nghiệp xe hơi của Việt Nam, ông Fusanori cho rằng cần tăng cường kết nối giữa các quốc gia, trong đó có thể kể đến kết nối về vật lý, về thể chế, công nghệ, cần cân nhắc vấn đề kết nối vật lý, chuyển giao công nghệ và coi đây là vấn đề thiết yếu phát triển ngành xe hơi và ứng dụng vào việc xây dựng trạm sạc.

Ông Fusanori Iwasaki, đại diện của ERIA kiến nghị về chiến dịch phát triển công nghiệp xe hơi của Việt Nam.

Ông Fusanori Iwasaki, đại diện của ERIA kiến nghị về chiến dịch phát triển công nghiệp xe hơi của Việt Nam.

Về thể chế, cần có sự kết nối, tham khảo, chia sẻ lẫn nhau giữa các quốc gia để xây dựng cơ chế pháp lý phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp xe hơi, đặc biệt là xe điện. Xây dựng định hướng phát triển thành phố thông minh và dẫn dắt phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Lấy bài học từ Thái Lan, là nước trong cùng khối ASEAN, ông Fusanori cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngay sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, chiến lược tự do hóa thương mại ASEAN được thực hiện, Thái Lan đã có các chính sách ưu đãi cho việc nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu phục vụ phát triển ngành sản xuất xe hơi và hỗ trợ xuất khẩu xe hơi cùng linh kiện ra khu vực và thế giới.

Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Thái Lan đã phát triển mạnh ngành công nghiệp sản xuất xe hơi và trở thành 1 trong những quốc gia hàng đầu về phát triển công nghiệp xe hơi tại ASEAN.

Do đó, trong các giải pháp phát triển ngành công nghiệp xe hơi, các đại biểu cũng rất quan tâm vấn đề phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước và tham gia các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới.

Hiện nay Việt Nam đã tham gia 15 FTA và là một nền kinh tế có độ mở lớn với thương mại đóng góp động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, trong phát triển ngành công nghiệp xe hơi, Việt Nam đặt tham vọng trở thành trung tâm sản xuất của thế giới. Để làm được điều này, ông Yasushi Ueki cho rằng cần tăng cường chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từ đó tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm, nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm ngành này. Để Việt Nam không chỉ xuất khẩu xe nguyên chiếc và còn có thể cung ứng các loại linh kiện, phụ tùng ra thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp