Mỹ là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam

THỦY SẢN Việt nAM
11:47 - 23/06/2022
Mỹ là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường đều tăng trưởng lạc quan, riêng xuất khẩu sang Mỹ tăng tới hơn 100% giá trị.

Theo đó, xuất khẩu cá ngừ đạt 462 triệu USD, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 đạt khoảng 290 triệu USD). Riêng xuất khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh (thuộc mã HS 0304) đạt 316 triệu USD, tăng tới 128% (năm 2021 đạt khoảng 138 triệu USD).

Theo chuyên gia VASEP, xuất khẩu cá ngừ trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy sự phục hồi rõ nét sau Covid-19. Một là hoạt động thương mại, kinh doanh của thị trường cá ngừ toàn cầu đã trở nên “đắt khách” sau hơn 3 năm đại dịch.

Hai là cuộc chiến Nga – Ukraine đã đẩy thế giới vào nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực (trong đó Mỹ và châu Âu là tâm điểm của khủng hoảng). Giá thực phẩm đã tăng từ 20 -40% so với thời điểm đầu năm 2022. Trong đó, khi giá thịt gà tăng giá gấp 3 lần, nhiều nhà nhập khẩu đang suy nghĩ tới việc thay thế bằng sản phẩm protein cá ngừ lành mạnh và giá tốt hơn.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 lớn nhất, chiếm 54,3% tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 251 triệu USD, tăng tới 102% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 124 triệu USD).

Hiện nay, sản phẩm loin/thịt cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đang giành phần lớn thị phần tại Mỹ. VASEP dẫn số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 4 tháng đầu năm 2022, Mỹ đã giảm khoảng 1,4% giá trị nhập khẩu cá ngừ từ Thái Lan nhưng lại tăng hơn 116% giá trị nhập khẩu phile cá ngừ đông lạnh (mã HS 0304) từ Việt Nam.

Hiện giá cá ngừ nhập khẩu trung bình của Mỹ đã lên mức 7,63 – 7,65 USD/kg (tăng khoảng 1 USD so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, giá nhập khẩu trung bình sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam đạt mức cao nhất vào cuối tháng 4/2022, đạt khoảng 11 USD/kg (tăng 2,3 USD/kg so với cùng kỳ năm trước).

Sau Mỹ, EU là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 67,6 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 đạt khoảng 61 triệu USD). Trong đó, xuất khẩu sang Đức đạt 10,5 triệu USD, tăng 3,4%; Hà Lan đạt 9,83 triệu USD, tăng 6,9%. Riêng Bỉ tăng tới 100%, đạt mức 9,47 triệu USD.

VASEP thông tin, hiện nay, thị trường châu Âu vẫn ưa chuộng sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh. Phần lớn sản phẩm nhập khẩu được đưa đến chuỗi nhà hàng Nhật Bản và các nhà hàng châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Ngoài ra, cá ngừ tươi, đông lạnh cũng là thực đơn chính trong các chuỗi nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ, trường học…

Hiện cá ngừ Việt Nam gặp phải cạnh tranh lớn từ các thị trường đối thủ do EU là thị trường thu hút rất nhiều nguồn cung lớn trên thế giới như Ecuador, Papua New Guinea, Philippinne… Ngoài ra, ngay trong khối này cá ngừ Tây Ban Nha cũng đang đe dọa mặt hàng cá ngừ của Việt Nam khi có lợi thế nội khối và cũng là “chợ cá” lớn nhất châu Âu với giá bán cạnh tranh.

Đối với khối CPTPP, 5 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này đạt 54,5 triệu USD, tăng 46,3% (năm 2021 đạt khoảng 37 triệu USD). Riêng với thị trường Canada, xuất khẩu sang quốc gia này chiếm hơn 42% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối CPTPP, đạt 23,4 triệu USD, tăng 72% (năm 2021 đạt khoảng 13,6 triệu USD).

Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản cũng tăng 6,4%, đạt 14 triệu USD; sang Mexico tăng 35%, đạt 6,5 triệu USD: sang Chile tăng 59%, đạt 4 triệu USD.

Ngoài các thị trường chính, xuất khẩu cá ngừ sang Philippine, Ai Cập và Nga trong 5 tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan.

Tin liên quan

Đọc tiếp