Mỹ sắp gửi hệ thống tên lửa Patriot tới Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
10:56 - 14/12/2022
Hình ảnh hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ tại Slovakia. Ảnh: Reuters
Hình ảnh hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ tại Slovakia. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm trợ giúp Ukraine trong việc củng cố hệ thống phòng không, chính phủ Mỹ đang trong những bước cuối cùng hoàn thiện kế hoạch để gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Kiev.

Theo Reuters trích dẫn nguồn tin từ 3 quan chức Mỹ hôm 13/12, chính phủ nước này đang trong những bước cuối cùng để hoàn thiện kế hoạch cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho lực lượng vũ trang Ukraine. Kế hoạch này rất có khả năng sẽ được công bố ngay trong tuần này.

2 trong số các nguồn tin giấu tên tuyên bố kế hoạch có thể được đưa ra sớm nhất là vào 15/12, tuy nhiên hiện tại nó vẫn đang chờ sự chấp thuận chính thức từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Joe Biden. Một trong các quan chức cho biết lực lượng Ukraine có thể sẽ được huấn luyện ở Đức trong vài tháng trước khi các hệ thống Patriot được gửi đến Ukraine.

Trên thực tế hồi tháng 10, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã từng công khai nêu khả năng các đồng minh NATO gửi hệ thống Patriot tới Ukraine.

Khi được liên hệ, Lầu Năm Góc và cả chính quyền Ukraine từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên trước đó ngày 13/12, văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Kiev đã tổ chức các cuộc đàm phán quân sự cấp cao với Washington.

Các thông tin chi tiết như phiên bản của hệ thống Patriot, tầm bắn hay số lượng được gửi tới Ukraine cũng không được tiết lộ. Ngoài ra, các nguồn tin cũng không tiết lộ liệu chính phủ Mỹ có hạn chế cách thức Ukraine sử dụng hệ thống Patriot như với hệ thống HIMARS hay không. Trước đó, Washington đã hạn chế việc sử dụng HIMARS tới các mục tiêu bên trong Ukraine.

Được chế tạo bởi tập đoàn công nghiệp quân sự Raytheon Technology, hệ thống phòng không trên mặt đất Patriot được dùng để chống lại các mối đe dọa tiên tiến hơn bao gồm máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Hệ thống này thường bao gồm các bệ phóng cùng với radar và các phương tiện hỗ trợ khác.

Do Patriot được coi như một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ, nó thường xuyên ở trong tình trạng thiếu nguồn cung.

Nếu trở thành sự thực, động thái này sẽ là lời hồi đáp tới chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky cho các yêu cầu cung cấp hệ thống phòng không để bảo vệ nước này khỏi các cuộc không kích bằng tên lửa hạng nặng của Nga. Việc này lại càng cấp thiết trong bối cảnh hiện tại khi Nga đang tấn công đồng loạt vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Trong bài phỏng vấn với Reuters, cựu lãnh đạo chính sách Ukraine tại Nhà Trắng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump là ông Alexander Vindman nhận định đây là một việc “có ý nghĩa rất trọng đại”. Hệ thống Patriot có khả năng đối phó với nhiều thách thức khác nhau, đặc biệt là tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Nga.

Phản ứng lại các động thái này, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cảnh cáo NATO không nên cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, đồng thời bổ sung thêm Moscow có khả năng sẽ coi động thái này là một sự leo thang.

Kể từ khi chiến sự nổ ra ngày 24/2, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các khoản hỗ trợ quân sự lên tới 19,3 tỷ USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ lớn nhất tại Nga, hàng nghìn binh sĩ đã tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 79 năm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.