Mỹ công bố viện trợ bổ sung 3 tỷ USD vũ khí cho Ukraine

chiến sự Nga – Ukraine
07:52 - 25/08/2022
Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS do Mỹ sắp viện trợ cho Ukraine.
Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS do Mỹ sắp viện trợ cho Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/8 công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine. Đây là khoản hỗ trợ an ninh lớn nhất mà Washington từng cung cấp cho Kiev trong 6 tháng chiến sự qua.

"Mỹ cam kết hỗ trợ người dân Ukraine tiếp tục cuộc chiến bảo vệ chủ quyền", Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 24/8 - đúng dịp Ukraine kỷ niệm 31 năm ngày quốc khánh.

Lầu Năm Góc thông báo, các khí tài quân sự được cung cấp cho Ukraine trong đợt này bao gồm 6 hệ thống phòng không tầm trung NASAMS, 24 radar phản pháo, máy bay không người lái (UAV) Puma và hệ thống chống UAV Vampire.

Kể từ tháng 1/2021, Mỹ tổng cộng đã cam kết khoảng 13,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: AP

Kể từ tháng 1/2021, Mỹ tổng cộng đã cam kết khoảng 13,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: AP

Gói viện trợ mới sẽ dùng ngân sách từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), do quốc hội Mỹ phân bổ để cho phép chính quyền Tổng thống Biden mua vũ khí trực tiếp từ các tập đoàn quốc phòng thay vì trực tiếp lấy từ kho dự trữ của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất nhiều thời gian vì phụ thuộc vào tình trạng dây chuyền lắp ráp vũ khí, công suất và khả năng điều chỉnh lịch trình của nhà sản xuất.

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết mỗi loại vũ khí sẽ có thời hạn chuyển giao khác nhau, trong đó hệ thống phòng không và radar dự kiến sẽ lâu nhất. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Chính sách Colin Kahl, trong một số trường hợp, một số vũ khí có thể mất từ 1-3 năm để đến Ukraine.

"Gói viện trợ này nhằm mục đích đảm bảo yêu cầu của Ukraine trong trung và dài hạn. Vì vậy nó không liên quan đến cuộc chiến trong hôm nay, ngày mai hay tuần tới. Nó sẽ có ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ và ngăn chặn của Ukraine trong một đến hai năm tới", Thứ trưởng Kalh nói.

Kể từ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào tháng 1/2021, cho đến nay, Mỹ tổng cộng đã cam kết khoảng 13,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Tính từ năm 2014, số tiền mà Mỹ cam kết viện trợ an ninh cho Kiev đã lên tới 15,5 tỷ USD.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và phương Tây bơm vũ khí cho Kiev chỉ khiến cho cuộc chiến kéo dài hơn và cảnh báo sẽ coi các kho vũ khí viện trợ là mục tiêu tấn công hợp pháp. Nước này cũng đồng thời cảnh báo nguy cơ những khí tài này có thể bị bán ra chợ đen, hoặc lọt vào tay các nhóm tội phạm, gây ra rủi ro đối với an ninh châu Âu và thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp