Mỹ yêu cầu các cơ quan chính phủ gỡ bỏ TikTok trong vòng 30 ngày

tiktok MỸ
15:12 - 28/02/2023
Mỹ yêu cầu các cơ quan chính phủ gỡ bỏ TikTok trong vòng 30 ngày
0:00 / 0:00
0:00

Theo Reuters, Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ có 30 ngày để xoá bỏ ứng dụng TikTok của Trung Quốc trên mọi thiết bị và hệ thống liên bang.

Trong phát biểu ngày 27/2, bà Shalanda Young, Giám đốc Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách Mỹ đã yêu cầu tất cả các cơ quan liên bang phải loại bỏ TikTok trên điện thoại, các hệ thống và chặn truy cập Internet tới ứng dụng này nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu của Mỹ.

Lệnh cấm này sẽ không áp dụng với các hoạt động nghiên cứu an ninh, hành pháp, an ninh quốc gia nhưng cần được người đứng đầu cơ quan phê chuẩn. Các doanh nghiệp không liên quan đến Chính phủ Mỹ và người dân không bị ảnh hưởng.

"Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đầu tư rất nhiều vào việc bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của quốc gia và hạn chế quyền truy cập của các đối thủ nước ngoài vào dữ liệu của người Mỹ", Giám đốc Bảo mật thông tin liên bang Chris DeRusha chia sẻ.

Ông DeRusha cho rằng, động thái trên là một phần trong cam kết liên tục của chính quyền nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cũng như bảo vệ an ninh và quyền riêng tư của người dân Mỹ.

Mặc dù lệnh cấm chỉ tác động tới một phần rất nhỏ người dùng TikTok tại Mỹ, nhưng nó tạo thêm sức nóng cho yêu cầu cấm hoàn toàn ứng dụng chia sẻ video này. Những lo ngại của Chính phủ Mỹ về mối nguy do Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc gia gia tăng trong những tuần gần đây sau khi Mỹ phát hiện và bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc mà Mỹ cho là đang thực hiện nhiệm vụ do thám.

Ngày 28/2, Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về một dự luật cho phép Tổng thống Joe Biden có quyền cấm TikTok trên mọi thiết bị ở Mỹ.

“Dự luật sẽ trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm TikTok hoặc bất kỳ ứng dụng và phần mềm nào đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul tuyên bố.

Nhấn mạnh điều trên, ông McCaul cho rằng, bất kỳ ai tải xuống TikTok trên thiết bị của họ đều đã cung cấp cho Trung Quốc một cánh cửa để truy cập tất cả thông tin cá nhân của họ.

Về phía TikTok, công ty đã phản ứng trước cuộc bỏ phiếu và cho biết công ty đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo vệ dữ liệu. "Thật đáng tiếc nếu Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện muốn kiểm duyệt hàng triệu người dùng Mỹ, hành động này không dựa trên thông tin thực tế mà chỉ dựa vào sự hiểu lầm về cấu trúc doanh nghiệp của chúng tôi". Trước đó, ByteDance, công ty mẹ TikTok đã nhiều lần bác bỏ các thông tin sai lệch khi cho rằng ứng dụng này đang theo dõi người dùng Mỹ.

TikTok đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của phương Tây vì những lo ngại rằng ứng dụng sẽ thu thập dữ liệu người dùng, truyền bá thông tin sai, độc hại.

Cũng trong ngày 27/2, Canada đã ban lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của Chính phủ nước này và cho rằng ứng dụng này đang tạo ra rủi ro lớn đối với sự riêng tư và an ninh quốc gia. Ngoài ra, Uỷ ban châu Âu cũng yêu cầu nhân viên phải xoá ứng dụng TikTok trước ngày 15/3 tới ở trên các thiết bị có liên quan đến công việc, do lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.