Năm 2021: Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân nuôi gà, lợn điêu đứng

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
13:01 - 03/05/2021
Giá thức ăn chăn nuôi tăng
Giá thức ăn chăn nuôi tăng
Giá thức ăn chăn nuôi tăng vù vù thời gian qua, trong khi giá lợn hơi xuất chuồng, giá gà thịt liên tục giảm mạnh khiến bà con đối mặt nguy cơ thua lỗ hàng loạt.

Đầu tháng 05/2021, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt tăng giá bán. Một số "đại gia" trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi như: C.P, Guyomarc'h-VCN, BB Sun Việt Nam, Cargill, ABC Việt Nam, Vina… đã có thông báo chính thức gửi đại lý và khách hàng về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi. Mức tăng bình quân từ 300-500 đồng/kg tuỳ từng loại sản phẩm. Trong đó, có một số loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp, tăng từ 1.000-4.000 đồng/kg.

Cục Chăn nuôi đánh giá, tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 6-7 đợt, tùy doanh nghiệp. Trong khi giá lợn hơi xuất chuồng liên tục giảm mạnh, giá gà thịt vẫn dưới giá thành sản xuất, thì việc giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã đang khiến cho người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ hàng loạt.

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 6-7 đợt, tuỳ doanh nghiệp. (Ảnh: Dân Việt)

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) thành phẩm trong nước đã tăng
trung bình từ 6-7 đợt, tuỳ doanh nghiệp. (Ảnh: Dân Việt)

Ông Nguyễn Văn Tỏa, ngụ ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang nuôi 100 con lợn cho biết, trước 30/04, giá lợn hơi ở mức từ 70.000-74.000 đồng/kg nhưng nay giảm chỉ còn từ 66.000-67.000 đồng/kg. Với mức giá lợn hơi như vậy, gia đình ông Tỏa chỉ có thể nuôi cầm chừng để duy trì đàn. Còn tới đây giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng thì ông sẽ phải giảm một nửa đàn lợn. Vì không còn vốn để có thể duy trì nữa.

Ông Tỏa cũng tiết lộ thêm, chi phí nuôi một lứa lợn trong 4-5 tháng, đạt trọng lượng 1 tạ sẽ bao gồm tiền giống, thuốc và thức ăn, hết khoảng 6,3-6,5 triệu đồng, trong khi giá bán ra chỉ được từ 6,6-6,7 triệu đồng/con/tạ. Nếu tính cả công chăm sóc, điện, nước, hao hụt... thì nông dân lỗ nặng.

Nhưng nghịch lý một điều, người chăn nuôi điêu đứng vì chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra giá bán thấp thì các "ông lớn" ngành chăn nuôi vẫn thu lãi khủng, nhất là những đại gia sở hữu nhà máy chế biến thức chăn chăn nuôi lớn.

Lợi nhuận của tập đoàn này đã tăng 125% so với năm 2019. Riêng mảng nông nghiệp của tập đoàn đã đạt doanh thu gần 3,5 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2019- Theo báo cáo thường niên của Công ty Chăn Nuôi C.P. Việt Nam, năm 2020.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế thu về 966,7 triệu USD (khoảng 23.000 tỷ đồng), tăng 125%. Hoạt động của doanh nghiệp này theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food) khép kín từ trang trại đến bàn ăn, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi và chế biến thành thực phẩm. Riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt khoảng 898,5 triệu USD, tăng nhẹ 1%. Mảng chăn nuôi đạt 2,42 tỷ USD, tăng 36% và mảng sản xuất kinh doanh thực phẩm đạt 155,4 triệu USD, tăng 41%.

(Ảnh: Nguồn Internet)
(Ảnh: Nguồn Internet)

Không nằm ngoài danh sách, một doanh nghiệp ngành chăn nuôi khác ở miền Bắc là Tập đoàn Dabaco cũng đạt được mức lợi nhuận khủng. Năm 2020, Dabaco đạt doanh thu 10.022 tỷ đồng, tăng trưởng 39%. Lợi nhuận ròng ước tính 1.400 tỷ đồng, gấp 4,6 lần năm 2019. Cũng theo cơ cấu 3F, doanh thu trong năm qua Tập đoàn Dabaco, mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 35%; mảng sản xuất con giống và chăn nuôi đạt 5.941 tỷ đồng, tăng 27%...

Đáng chú ý hơn, chỉ trong quý I/2021, Tập đoàn Dabaco đã ghi nhận doanh thu 2.473,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 407 tỷ đồng. Theo lý giải của Chủ tịch Tập đoàn chăn nuôi này, thì doanh thu và lợi nhuận tăng là nhờ giá lợn hơi liên tục tăng cao trong thời gian qua.

Một doanh nghiệp có tiếng khác của ngành thức ăn chăn nuôi khác đến từ Hàn Quốc là Công ty CJ, cũng đạt lợi nhuận hơn 5.100 tỷ đồng trong năm ngoái.

Ở nước ta có 265 nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó các doanh nghiệp FDI có khoảng 85 nhà máy, nhưng sản lượng thì chiếm tới hơn 60% thị phần thức ăn trong nước. Chỉ riêng CP Việt Nam đã chiếm hơn 20% thị phần, Cargil Việt Nam khoảng 9%, các doanh nghiệp khác như CJ, De Heus (Hà Lan), Emivest (Malaysia) cũng cạnh tranh khốc liệt…

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay, hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm thị phần áp đảo trong thị trường chăn nuôi của Việt Nam. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 20% khiến người chăn nuôi trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong tái đàn, không ít hộ có nguy cơ thua lỗ. Ngược lại, việc kiểm soát phần lớn thức ăn chăn nuôi giúp các doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh và quyết định được thị trường.

Mặc dù Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như đậu tương, ngũ cốc, khô dầu các loại, phụ gia... hiện Việt Nam sản xuất không đủ hoặc do giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại./.

Đọc tiếp