Nâng cao giá trị, hướng tới tính bền vững của nghề cua Cà Mau

Cua Cà Mau
15:39 - 26/12/2022
0:00 / 0:00
0:00
Chiều ngày 25/12, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau” nhằm đánh giá thực trạng, hiệu quả đề xuất định hướng các giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững nghề cua tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh: "Cua Cà Mau từ lâu đã nổi tiếng về chất lượng, thương hiệu. Mới đây, cua Cà Mau còn được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý".

Ngày 8/6 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2576/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00116 cho sản phẩm cua “Cà Mau”. Tối ngày 23/12, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm cua Cà Mau cho tỉnh Cà Mau.

Trong những năm gần đây, diện tích, sản lượng cua nuôi của tỉnh Cà Mau không ngừng tăng. Từ năm 2016, diện tích nuôi cua trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt 240.000 ha, năng suất bình quân 0,07 tấn/ha, sản lượng 17.414 tấn/năm.

Đến năm 2022, diện tích đạt khoảng 252.000 ha, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm; sản lượng ước đạt khoảng 25.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000 ha (có 9 loại chứng nhận), sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn. Phần lớn diện tích còn lại là nuôi theo hình thức tự nhiên, theo hướng sinh thái.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng trên 520 trại sản xuất luân phiên giống tôm sú và cua; có 7 tổ hợp tác và hợp tác xã ương vèo, 300 cơ sở ương nhỏ lẻ. Tỉnh Cà Mau hiện có 2 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP là “Cua biển Năm Căn” của hợp tác xã nuôi cua Tân Hiệp Phát; Sản phẩm “Thịt cua sinh thái” của hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CTTĐT tỉnh Cà Mau
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CTTĐT tỉnh Cà Mau

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Văn Sử cũng cho rằng, nghề nuôi cua trên địa bàn tỉnh Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh trên cua thời gian qua diễn biến phức tạp và chưa có cách phòng trị hiệu quả. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh phần lớn là trại sản xuất nhỏ lẻ, công suất thấp, điều kiện sản xuất chưa đảm bảo.

Mặt khác, hiện nay việc ứng dụng quy trình kỹ thuật vào mô hình nuôi cua còn hạn chế; năng suất, sản lượng còn thấp so với tiềm năng hiện có. Vì vậy, kỳ vọng thông qua hội thảo lần này không chỉ bàn phân tích sâu về những vấn đề khó khăn đang gặp phải, mà còn giải quyết những vấn đề lớn, mang tính định hướng, tầm nhìn dài hạn để đặc sản cua Cà Mau phát triển xa hơn nữa trong thời gian tới.

Trước những khó khăn trên, các đại biểu tham dự cho rằng, chính quyền địa phương và chính quyền địa phương và người nông dân cần có những hoạch định, hướng phát triển lâu dài, hiệu quả cho cua về quy hoạch vùng nuôi an toàn, mùa vụ nuôi...

Đồng thời, tổ chức quy hoạch lại vùng nuôi cua biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với thực hành sản xuất tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn”, chỉ dẫn địa lý “Cua Cà Mau”. Phát triển sản xuất cua giống, khuyến khích các cơ sở sản xuất cua giống tham gia vào chuỗi sản xuất...

Từng bước xây dựng và phát triển các vùng nuôi chuyên canh quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế điều kiện tự nhiên.

Khuyến khích các doanh nghiệp thu mua cua trên địa bàn tỉnh quan tâm, tập trung phát triển thị trường nội địa với các sản phẩm chế biến và hướng đến có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.