Năng Lượng Hồng Phong 2 liên tục mua lại trái phiếu trước hạn

NĂNG LƯỢNG Hồng Phong
10:27 - 13/07/2023
Hồng Phong 2 được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B, công suất 100 MW. Ảnh minh họa
Hồng Phong 2 được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B, công suất 100 MW. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 12/7 vừa công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của CTCP Năng lượng Hồng Phong 2.

Theo đó, vào ngày 4/7, CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 đã mua lại trước hạn 26 tỷ đồng trái phiếu của mã HP2_BOND_2020_04, hạ số lượng trái phiếu lưu hành xuống còn 195 tỷ đồng.

Đây là lần mua lại trước hạn thứ 3 đối với HP2_BOND_2020_04 của Hồng Phong 2 kể từ tháng 4/2023 đến nay. Trước đó vào ngày 28/4 và 2/6, công ty này đã chi 19 tỷ đồng và 40 tỷ đồng để mua lại trước hạn lô trái phiếu nói trên.

HP2_BOND_2020_04 được phát hành ngày 11/5/2020, có thời hạn 6 năm với tổng giá trị theo mệnh giá 280 tỷ đồng. Đây cũng là 1 trong 6 lô trái phiếu được Hồng Phong 2 phát hành vào năm 2020.

6 lô trái phiếu được Hồng Phong 2 phát hành từ ngày 11/5 – 1/6, trong đó có 1 lô trị giá 200 tỷ đồng và 5 lô trị giá 280 tỷ đồng, tổng giá trị 1.600 tỷ đồng. Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 6 năm, được đảm bảo bằng tài sản. Đối với 4 kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất cố định là 10%/năm, sau đó thả nổi. Trái chủ nhận trái tức 3 tháng/lần.

Tài sản đảm bảo cho đợt phát hành là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của dự án Đô thị Kim Chung – Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội.

Ngoài ra, Hồng Phong 2 cũng sử dụng quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B và toàn bộ cổ phần của các cổ đông sở hữu tại Hồng Phong 2 để đảm bảo cho các lô trái phiếu trên.

Cuối cùng, trong trường hợp tổng giá trị tài sản bảo đảm trên thấp hơn giá trị bảo đảm tối thiểu, Hồng Phong 2 sử dụng thêm các tài sản khác (tiền gửi, bất động sản…) theo quy định của đại lý tài sản bảo đảm.

Trái chủ duy nhất mua trọn 6 lô trái phiếu này là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).

CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 được thành lập tháng 3/2017, trụ sở chính tại thôn Hồng Trung, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, Ninh Thuận. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Khi thành lập, Hồng Phong 2 có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex - nắm giữ 96% cổ phần), CTCP Điện Vietracimex Lào Cai (nắm giữ 2% cổ phần) và CTCP BOT Vietracimex 8 (nắm giữ 2% cổ phần). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật hiện là ông Nguyễn Đức Thắng (SN 1983).

Công ty này được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B, công suất 100 MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỷ đồng. Nhà máy chính thức được hòa lưới điện vào tháng 6/2019.

Về tình hình kinh doanh,trong năm 2022, Hồng Phong 2 báo lãi 145,45 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ 2021. Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu công ty tăng nhẹ lên 984 tỷ đồng, tổng nợ phải trả giảm 5,14% về còn 1.653 tỷ đồng, chiếm 768 tỷ đồng trong số đó là dư nợ trái phiếu.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.