NATO hỗ trợ các thành viên mua 1.000 tên lửa Patriot

Tên lửa NATO
08:26 - 04/01/2024
Một bệ phóng tên lửa Patriot của quân đội Romania bắn tên lửa trong cuộc tập trận gần Biển Đen, ngày 15/11/2023. Ảnh: AFP
Một bệ phóng tên lửa Patriot của quân đội Romania bắn tên lửa trong cuộc tập trận gần Biển Đen, ngày 15/11/2023. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
NATO công bố kế hoạch mua giúp Đức và một số thành viên khác trong khối 1.000 tên lửa Patriot để tăng cường phòng không châu Âu, trong bối cảnh Nga đang không kích vào các thành phố Ukraine. 

RT đưa tin, Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm (NSPA) của NATO ngày 3/1 thông báo nhóm các nước thành viên gồm Đức, Romania, Hà Lan và Tây Ban Nha đã ký hợp đồng mua 1.000 tên lửa Patriot, trị giá 5,5 tỷ USD.

NSPA cam kết sẽ hỗ trợ các nước trong thương vụ này, đồng thời nhận định rằng thỏa thuận vũ khí sẽ thúc đẩy châu Âu tăng cường sản xuất tên lửa Patriot do Mỹ thiết kế, giúp các thành viên NATO bổ sung kho vũ khí khi tiếp cung cấp khí tài cho Ukraine.

Cơ quan này đã trao hợp đồng sản xuất và giao vũ khí trị giá 5,5 tỷ USD cho COMLOG, một liên doanh giữa nhà thầu quốc phòng Mỹ RTX (trước đây gọi là Raytheon Technologies) và MBDA của Đức. NSPA khẳng định quy mô lớn của đơn hàng sẽ củng cố việc thành lập dây chuyển sản xuất Patriot mới ở Đức.

NATO không nêu thông tin cụ thể về tiến trình xây dựng cơ sở sản xuất mới hoặc cung cấp tên lửa mới. Tuy nhiên, khối này nhấn mạnh rằng: "COMLOG sẽ mở rộng năng lực sản xuất tên lửa Patriot chiến thuật (GEM-T), ở châu Âu".

Bình luận về thông tin trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định: "Khoản đầu tư này cho thấy sức mạnh của hợp tác quốc phòng xuyên Đại Tây Dương và cam kết của NATO trong việc đảm bảo an toàn cho người dân của chúng tôi".

Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng: "Các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga nhằm vào các thành phố Ukraine cho thấy tầm quan trọng của hệ thống phòng không hiện đại. Tăng cường sản xuất đạn dược là chìa khóa cho an ninh của Ukraine và của NATO".

Trong khi đó, Giám đốc điều hành MBDA Thomas Gottschild cho biết: "Thỏa thuận giúp tăng cường năng lực công nghiệp và quân sự ở châu Âu. Khối lượng đặt hàng cho phép MBDA thiết lập dây chuyền sản xuất tên lửa Patriot ở Đức, cũng như sản xuất các bộ phận phụ quan trọng". Ông cũng lưu ý rằng COMLOG là cơ sở duy nhất cung cấp tên lửa Patriot bên ngoài Mỹ.

GEM-T là một trong những biến thể của tên lửa Patriot được cung cấp cho khách hàng quốc tế. Theo RTX, GEM-T cung cấp khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo chiến thuật và máy bay địch, bổ sung cho phiên bản tên lửa Patriot PAC-3.

Theo Defense News, vào tháng 12/2023, Bộ Quốc phòng Romania được cho là đã đệ trình yêu cầu lên Quốc hội về việc mua 200 tên lửa PAC-2 GEM-T cho các bệ phóng Patriot trong nước. Hiện vẫn chưa rõ liệu thương vụ này có liên quan đến đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ USD mà NATO công bố hay không.

Nga chưa đưa ra bình luận về các thông tin trên.

Theo RT, trong những ngày gần đây, quân đội Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công tên lửa và UAV nhằm vào các mục tiêu công nghiệp - quân sự ở thủ đô Kiev và các thành phố khác của Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/1 cho biết Moscow sẽ tăng cường không kích để đáp trả cuộc tấn công của Ukraine vào thành phố biên giới Belgorod của Nga hôm 30/12, khiến hơn 20 dân thường thiệt mạng.

Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cũng lưu ý rằng, không giống như cuộc tấn công "khủng bố" nhằm vào dân thường của Kiev, các cuộc tấn công của Nga sẽ nhắm vào cơ sở hạ tầng và tài sản quân sự của Ukraine.

Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ khiến cuộc chiến kéo dài và dẫn đến nhiều thương vong hơn, mà không làm thay đổi kết quả của cuộc xung đột.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.