Nghịch lý mùa báo cáo tài chính: Giá cổ phiếu ngân hàng đi ngược với tăng trưởng lợi nhuận

Cổ Phiếu NGÂN HÀNG
08:21 - 05/05/2022
Nghịch lý mùa báo cáo tài chính: Giá cổ phiếu ngân hàng đi ngược với tăng trưởng lợi nhuận
0:00 / 0:00
0:00
Công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, nhóm "cổ phiếu vua" vẫn không thoát khỏi xu hướng giảm điểm của thị trường khi loạt cổ phiếu ngân hàng xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Đến thời điểm đầu tháng 5, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đều đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Theo đó, Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất là: VPBank, Vietcombank, Techcombank, MB, VietinBank, BIDV, ACB, SHB, HDBank và Sacombank.

Xét về thứ hạng, VPBank dẫn đầu về lợi nhuận quý I với hơn 11.000 tỷ đồng do nhận khoản thu bất thường (phí trả trước bảo hiểm hàng ngàn tỷ đồng từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm với AIA).

Vietcombank "về đích" thứ 2 với lợi nhuận đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Xếp thứ 3 về lợi nhuận là Techcombank với lãi trước thuế đạt 6.785 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Theo sau là MB với lợi nhuận đạt 5.909 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Những cái tên khác trong top 10 lợi nhuận gọi tên BIDV, ACB, SHB, HDBank và Sacombank với lãi trước thuế trên 2.000 tỷ trở lên.

Còn xét về tốc độ tăng trưởng, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý I/2022 lại là Eximbank với mức tăng 278%, tiếp theo là VPBank tăng 178%, BacABank tăng 171%, SHB tăng 94%, SeABank tăng 87%, Sacombank tăng 70%, Saigonbank tăng 69%, LienVietPostBank tăng 61%, PGBank tăng 54%, NamABank tăng 40%.

Nghịch lý lợi nhuận tăng nhưng giá cổ phiếu ngân hàng vẫn im lìm

Với những kết quả tích cực đó, trong báo cáo cập nhật lợi nhuận ngành ngân hàng mới đây, SSI Research đưa ra dự báo : Việc công bố kết quả kinh doanh Quý I cùng những thông tin về kế hoạch đại hội cổ đông có thể sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho diễn biến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, thực tế, giá cổ phiếu ngân hàng đang đi ngược với những diễn biến về tăng trưởng lợi nhuận khi giảm 4,3% so với cuối năm 2021. Định giá P/B của cổ phiếu ngân hàng đang tiệm cận về mức trung bình 3 năm, nhưng thanh khoản toàn thị trường chưa thực sự cải thiện và triển vọng lợi nhuận của ngành chưa có dấu hiệu đột phá khiến cổ phiếu ngân hàng khó có thể lội ngược dòng trong các tháng gần đây.

Tính riêng trong tháng 4, tổng vốn hóa của các ngân hàng "bốc hơi" 168 nghìn tỷ đồng, 16/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trên 10%. Trong đó, 3 ngân hàng "mất" nhiều tiền nhất lần lượt là Techcombank (31,62 nghìn tỷ đồng), VietinBank ( 22,59 nghìn tỷ đồng) và BIDV (19,49 nghìn tỷ đồng).

Trong khi đó, nếu so với mức giảm 8,4% của VN-Index, giá cổ phiếu các ngân hàng ghi nhận giảm mạnh nhất trong tháng 4 là SHB (-23,8%), Eximbank (-18,7%), ABBank (-18,2%),...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc đầu tư - Công ty Quản lý quỹ IPA trong chương trình DInsight do CTCP Chứng khoán VNDirect tổ chức mới đây cho biết, giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ có biến động hơi khác so với lợi nhuận dự báo.

Lợi nhuận của ngành ngân hàng rất dễ dự báo, chỉ cần dựa trên các chỉ tiêu đã được đại hội cổ đông thông qua và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt là có thể đoán trước được. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu của ngân hàng lại là câu chuyện khác. Giá cổ phiếu các nhà băng thường đi theo xu hướng "no dồn, đói góp".

Ví dụ như giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tích lũy trong khoảng 2 năm rồi sau đấy tăng trưởng bù. Trong quá khứ, đã có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng quá trình tích lũy diễn ra rất lâu, và P/E càng thấp thì đó là thời điểm rất an toàn để giải ngân dòng vốn đầu tư dài hạn, giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng bù và đuổi theo lợi nhuận.

Thực tế, việc nắm giữ cổ phiếu ngân hàng có một mức lợi suất rất cao, lên đến 20%/năm. Theo đó, nếu nắm giữ cổ phiếu MB từ thời điểm cổ phiếu này vẫn còn ở thị trường OTC thì sau 10 năm nắm giữ mức sinh lời có thể lên đến 4 lần. Mức tăng trưởng này là rất cao so với việc mua đất nền hay bất kỳ một kênh tài sản nào khác

Trong khi đó, lý giải về nghịch lý trên, ông Lê Quang Minh – Giám đốc Phân tích CTCK Mirae Asset (MAS) cho hay, ngành ngân hàng có một số rủi ro trong năm 2022. Đó là vấn đề nợ xấu từ các khoản nợ tái cơ cấu. Trong năm 2021, các khoản vay của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được các ngân hàng cơ cấu lại nợ theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

"Dù thời điểm này ngân hàng chưa phải phân loại các khoản nợ cơ cấu, nhưng cũng không thể xoá hoặc để ngoại bảng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Do đó, nợ xấu có thể tăng trở lại trong thời gian tới", ông Minh cho biết. Ngoài ra, vấn đề tăng lãi suất cũng là một trong những lí do khiến dòng tiền chưa chảy vào nhóm cổ phiếu này.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, với những biện pháp mạnh tay gần đây của cơ quan quản lý trong việc minh bạch thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và việc siết tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước đã khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng vốn hoá lớn sẽ khó thoát khỏi xu hướng chung này.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn nhiều tiềm năng tăng giá

Theo nhận định của các chuyên gia, cổ phiếu ngân hàng có tính chu kỳ. Do đó, khi cổ phiếu ngân hàng đã có sự bứt phá rất tốt trong năm 2021 với mức tăng trung bình 66% so với 40% của VN-Index trong giai đoạn tăng vốn mạnh mẽ, thường thường, các ngân hàng sẽ đi ngang và suy yếu trong khoảng thời gian 2 năm.

Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá ngành ngân hàng năm 2022 của VISecurities mới đây vẫn tin tưởng rằng, cổ phiếu ngân hàng năm nay tiếp tục sẽ là nhóm ngành chủ đạo quan trọng của thị trường dù mức độ tăng trưởng về giá có thể chậm hơn so với năm 2021.

Theo VISecurities, định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn với PE trung bình 16 và P/Bv 2.1. Các nhóm cổ phiếu VCB, BID, CTG, MBB, OCB, TCB, VPB, LPB, STB, HDB, VIB được dự báo sẽ là những ngân hàng nổi bật nhất trong ngành. Trong đó sự kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trung bình từ 20% - 30% dựa vào dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022.

Ngoài ra, lợi nhuận ngân hàng năm 2022 dự báo tiếp tục khả quan nhờ nhu cầu vốn tăng mạnh trở lại và đến một phần từ các khoản trích lập dự phòng lớn từ năm 2021 trở về trước. Nhóm chuyên gia ước tính, ngành ngân hàng có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 25% trở lên nhờ tăng trưởng tín dụng phục hồi.

Đặc biệt, việc tập trung nâng cao năng lực tài chính, tuân thủ các lộ trình và giải pháp của Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu", tăng trích lập dự phòng và cải thiện mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu, có thể là cơ sở cho một niềm tin thị trường về sự hấp dẫn hơn của cổ phiếu ngành ngân hàng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.