Ngừng xuất khẩu oxy khi cung không đủ cầu

XNK Việt nAM
09:19 - 09/01/2022
Ngừng xuất khẩu oxy khi cung không đủ cầu
0:00 / 0:00
0:00
Trước khả năng nguồn cung oxy tái khan hiếm, Bộ Công Thương được quyền tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu oxy khi cần để đảm bảo đủ oxy cho bệnh nhân Covid-19.

Chực chờ khan hiếm oxy

Theo đại diện từ phía Bộ Công Thương, hiện nhu cầu oxy cơ bản đã được đáp ứng sau khi các địa phương phản ánh tình trạng thiếu hụt oxy nghiêm trọng để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Trước đó, vào tháng 12, các cơ sở y tế phía Nam, đặc biệt là các vùng Tây Nam Bộ và TP HCM gặp tình trạng thiếu hụt oxy nghiêm trọng cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Theo các thống kê sơ bộ, bình quân mỗi ngày, nhu cầu oxy cho y tế của các tỉnh lên tới hơn 400 tấn, riêng TP. HCM hơn 100 tấn, các tỉnh còn lại mỗi tỉnh 50 tấn.

Lãnh đạo Cục Hóa chất cho hay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, từ nửa cuối tháng 12/2021 cho tới nay, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động điều hành vĩ mô đối với các hoạt động sản xuất, điều phối, cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó có việc thành lập và tổ chức các hoạt động của Tổ công tác điều phối oxy phục vụ điều trị Covid-19.

Cùng đó, Bộ Công Thương chủ động nắm bắt tình hình để can thiệp, hỗ trợ việc cung ứng oxy từ các cơ sở sản xuất cho các cơ sở y tế… Nhờ vậy, nguồn cung oxy về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu.

Đại diện Sở Y tế TP HCM thông tin, tình hình dịch Covid-19 hiện nay đã cơ bản được kiểm soát, lượng bệnh nhân nhiễm bệnh đã giảm, nhu cầu oxy cũng giảm theo. Nếu như 2 tuần trước đây, nhu cầu ôxy của thành phố là 68 tấn/ngày, 1.500 lít/ngày thì hiện nhu cầu dưới 100 tấn/ngày, 900 lít/ngày. Đến nay, tình hình nhu cầu oxy của các cơ sở y tế bình thường và nguồn cung oxy trên địa bàn cơ bản đảm bảo cho các hoạt động, sử dụng tại các bệnh viện.

Nguồn cung oxy được kiểm soát nhờ nỗ lực từ phía Chính phủ - Ảnh: minh họa

Nguồn cung oxy được kiểm soát nhờ nỗ lực từ phía Chính phủ - Ảnh: minh họa

Theo Báo cáo tại Hội nghị “Cung ứng oxy cho bệnh nhân Covid-19 và các giải pháp đảm bảo nguồn cung oxy trong dịp Tết Nguyên đán” do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 7/1, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, Việt Nam hiện có 12 nhà máy sản xuất oxy thương phẩm trên cả 3 miền, lượng oxy có thể cung cấp bình quân 1.150 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày. Cụ thể, tại miền Bắc 570 tấn/ngày; miền Trung 98 tấn/ngày; miền Nam 685 tấn/ngày.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thanh, trong điều kiện không bùng phát dịch, lượng oxy sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nội địa và tham gia xuất khẩu. Nhưng việc doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, đặc biệt đối với ngành Thép (vốn là ngành sử dụng lượng lớn khí công nghiệp) có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm oxy trở lại cho y tế cục bộ.

Ông Thanh cho rằng, nhu cầu cần tới 100kg oxy lỏng mỗi ngày nên nguy cơ thiếu hụt oxy y tế vẫn luôn tiềm ẩn nếu không có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch để sản xuất gắn với điều phối, vận chuyển, cung ứng giữa các vùng, miền.

“Tạm thời vấn đề này đã bớt nóng hơn, nhưng đâu đó còn thiếu cục bộ và theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Hóa chất phải xem xét lại những kế hoạch sắp tới để chuẩn bị Tết Nguyên đán, dự phòng trường hợp dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp,” ông Thanh nói.

Mặt khác, qua thống kê từ một số nhà phân phối lớn tại Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM…, tổng lượng oxy cung cấp đến các cơ sở y tế trong các ngày cao điểm từ 380 - 400 tấn.

Hạn chế xuất khẩu nếu cung-cầu mất cân bằng

Để tránh kịch bản khan hiếm lặp lại, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 139/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về giải pháp cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trong dịp Tết Nguyên đán có thể không đủ lượng oxy cho các cơ sở y tế - Ảnh: minh họa

Trong dịp Tết Nguyên đán có thể không đủ lượng oxy cho các cơ sở y tế - Ảnh: minh họa

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 1815/CĐ-TTg ngày 26/12/2021, số 1792/CĐ-TTg ngày 23/12/2021 và Công văn số 60/VPCP-KGVX ngày 03/01/2022 về cung ứng, điều phối oxy cho điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm oxy cho điều trị, Bộ Công Thương quyết định biện pháp tạm ngừng, hạn chế xuất khẩu oxy theo thẩm quyền và đúng quy định pháp luật.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện việc vận chuyển oxy cho y tế thuận lợi nhất, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu sử dụng oxy cho điều trị.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các bộ liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cơ chế hỗ trợ giá oxy phù hợp đối với các cơ sở sản xuất, vận chuyển và sử dụng oxy cho y tế trong tình huống cấp bách theo đúng quy định của pháp luật.

Về tình hình thực tế tại các địa phương, ông Đàm Tiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, thành phố đã ban hành phương án số 187/PA-UBND ngày 13/8/2021 về việc đáp ứng oxy y tế với nhiều kịch bản.

Trong đó kịch bản cao nhất là tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 sẽ có 3.120 người bệnh phải dùng oxy y tế tương ứng với nhu cầu sử dụng khoảng 65 tấn/ngày (9.058 chai 40 lít). Với tình hình cung ứng hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất oxy tại Hà Nội đủ khả năng đáp ứng được kịch bản với 40.000 người bệnh Covid-19 theo Phương án đã được phê duyệt.

Ông Thắng còn cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Y tế thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo nguồn cung ứng không để gián đoạn, thiếu oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp