Người Hàn Quốc chi tiêu mạnh nhất thế giới cho hàng xa xỉ

Tiêu dùng HÀN QUỐC
13:37 - 13/01/2023
Cửa hàng của Burberry tại Cheongsam, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Senatus
Cửa hàng của Burberry tại Cheongsam, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Senatus
0:00 / 0:00
0:00
Theo Morgan Stanley, Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ chi tiêu hàng xa xỉ cá nhân trên đầu người cao nhất thế giới, bỏ xa nhiều thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ.

CNBC trích dẫn số liệu được Morgan Stanley công bố ngày 13/1 cho biết tổng chi tiêu của người tiêu dùng Hàn Quốc cho hàng xa xỉ cá nhân thuộc các hãng như Prada hay Burberry tăng 24% lên 16,8 tỷ USD trong năm 2022.

Con số này sẽ khiến chi tiêu trên đầu người được xác định ở ngưỡng 325 USD – cao hơn so với mức chi tiêu bình quân đầu người của người tiêu dùng Mỹ là 280 USD. Con số này cũng cao hơn 6 lần so với chi tiêu trên đầu người của người Trung Quốc cho hàng xa xỉ là 55 USD.

Cùng với chi tiêu cá nhân của khách hàng Hàn Quốc gia tăng, các thương hiệu cao cấp cũng ghi nhận doanh số bán hàng tăng trưởng tích cực trong năm vừa qua. Theo Moncler, doanh thu tại thị trường Hàn Quốc của hãng “tăng hơn gấp đôi” trong quý II/2022 so với trước đại dịch. Tập đoàn Richemont - chủ sở hữu thương hiệu trang sức Cartier - cũng cho biết Hàn Quốc là một trong những thị trường có doanh số bán hàng tăng 2 con số vào năm 2022 so khoảng thời gian 2 năm trước.

Tăng trưởng tại Hàn Quốc cũng giúp sức cho Prada tương đối nhiều. Theo thương hiệu này, tuy việc phong tỏa do đại dịch tại Trung Quốc làm giảm 7% hiệu suất bán lẻ năm 2022, sự sụt giảm trên được giảm thiểu nhờ hiệu suất mạnh mẽ ghi nhận được tại Hàn Quốc và Đông Nam Á.

Nhu cầu hàng xa xỉ cao của người Hàn Quốc có thể được giải thích dựa trên một số yếu tố theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley. Nguyên nhân chính được cho là mong muốn thể hiện địa vị xã hội ra bên ngoài của người dân tại đây. Cụ thể, trong báo cáo của mình, các chuyên gia nhận định: “Ngoại hình và thành công về tài chính có thể gây được tiếng vang lớn hơn với người tiêu dùng ở Hàn Quốc so với hầu hết các quốc gia khác”.

Thêm vào đó, xã hội Hàn Quốc cũng có xu hướng chấp nhận sự phô trương về của cải nhiều hơn các xã hội khác. Một cuộc khảo sát của McKinsey cho thấy chỉ 22% người Hàn Quốc tham gia trả lời câu hỏi coi việc khoe hàng xa xỉ là không tốt. Con số này thấp hơn nhiều so với 45% người Nhật Bản và 38% người Trung Quốc.

Một yếu tố khác đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng tiêu dùng hàng xa xỉ chính là sự gia tăng sức mua và gia tăng tài sản hộ gia đình. Dữ liệu từ Ngân hàng Hàn Quốc cho thấy giá trị tài sản ròng của hộ gia đình nước này đã tăng 11% trong năm 2021 với khoảng 76% tài sản hộ gia đình ở Hàn Quốc là bất động sản. Trong khi đó từ năm 2020, giá bất động sản tại Hàn Quốc đã tăng đáng kể.

Nhiều người nổi tiếng từ diễn viên, vận động viên tới idol Hàn Quốc là các đại sứ thương hiệu cho nhiều nhãn hàng xa xỉ. Nam diễn viên có cát xê cao nhất Hàn Quốc Kim Soo Hyun cũng là đại sứ cho BST Tommy Hilfiger Menswear Xuân - Hè 2022. Ảnh: Tommy Hilfiger
Nhiều người nổi tiếng từ diễn viên, vận động viên tới idol Hàn Quốc là các đại sứ thương hiệu cho nhiều nhãn hàng xa xỉ. Nam diễn viên có cát xê cao nhất Hàn Quốc Kim Soo Hyun cũng là đại sứ cho BST Tommy Hilfiger Menswear Xuân - Hè 2022. Ảnh: Tommy Hilfiger

Sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng cũng đã giúp nhiều nhà mốt hạng sang khai thác nhu cầu mua sắm mạnh hơn nữa của người tiêu dùng Hàn Quốc. Báo cáo của Morgan Stanley cho biết gần như tất cả những nghệ sĩ và người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn tại quốc gia này đều là đại sứ thương hiệu cho các nhãn hàng xa xỉ, ví dụ như nam diễn viên Lee Min Ho là đại sứ cho thương hiệu Fendi hay nam diễn viên Hyun Bin là đại sứ cho các BST thu/đông 2021 - 2022 của nhà mốt Italy Loro Piana.

Thương hiệu trang sức Tiffany & Co cũng đã chọn một trong những nữ idol có sức ảnh hưởng hàng đầu hiện nay là Rose từ nhóm nhạc Black Pink làm gương mặt đại diện cho bộ sưu tập HardWear của mình. Theo nhà mốt này, bộ sưu tập “được đón nhận nồng nhiệt” tới nỗi doanh số cho dòng sản phẩm được quảng cáo tăng gấp đôi.

Tuy nhiên theo Bain & Company, sử dụng số liệu bình quân đầu người trong việc tính toán tiêu thụ hàng xa xỉ là không chính xác do bản thân mặt hàng này theo định nghĩa không phải là sản phẩm dành cho thị trường đại chúng.

Thay vào đó, đối tác của Bain & Company là Weiwei Xing đề xuất chia tỷ lệ tổng chi tiêu cho hàng xa xỉ theo số lượng dân số thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Đây sẽ là thước đo có ý nghĩa hơn để phản ánh thái độ và mức tiêu dùng đối với hàng xa xỉ.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.