Làn sóng nghỉ việc cao kỷ lục tại thị trường lao động Mỹ

việc làm MỸ
17:33 - 05/01/2022
Có khoảng 4,5 triệu lao động ở Mỹ tự nguyện thôi việc trong tháng 11/2021. Ảnh: The New York Times
Có khoảng 4,5 triệu lao động ở Mỹ tự nguyện thôi việc trong tháng 11/2021. Ảnh: The New York Times
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù các nhân viên đã được trả lương đầy đủ và cải thiện phúc lợi xã hội, tình trạng thiếu lao động vẫn là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế nước Mỹ.

Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 4/1, có khoảng 4,5 triệu lao động ở nước này tự nguyện thôi việc trong tháng 11/2021, tiếp tục xu hướng tăng của tháng trước đó với 4,2 triệu người bỏ việc. Nếu tính cả số người bị sa thải, con số nghỉ việc trong tháng 11/2021 là 6,8 triệu.

Đây là con số cao nhất trong lịch sử của cuộc khảo sát hàng tháng, cho thấy sự xáo trộn thị trường lao động Mỹ đã đạt đến đỉnh điểm vào. Đây là lần thứ tư trong năm 2021, số lượng công nhân Mỹ nghỉ việc đạt kỷ lục, với các mức cao trước đó vào tháng 4, tháng 8 và tháng 10. Các nhà tuyển dụng báo cáo có khoảng 10,6 triệu cơ hội việc làm đang có, trong khi số người thất nghiệp là 6,9 triệu.

Người lao động “khó tính” khi lựa chọn việc

Nhân loại bước sang năm thứ ba của bệnh dịch, đồng nghĩa với khoảng 20 triệu công nhân mất việc làm trong các đợt phong tỏa trong năm 2020. Nhưng, thực tế hiện nay cho thấy sự mất cân bằng giữa số lao động hiện có và cơ hội việc làm đã tạo cho nhiều người lao động có nhiều lựa chọn hơn.

Hiện tại, không phải các công ty từ bỏ lực lượng lao động mà là lực lượng lao động từ bỏ công việc có lương thấp hơn sang công việc được trả lương cao hơn. Ảnh: The New York Times

Hiện tại, không phải các công ty từ bỏ lực lượng lao động mà là lực lượng lao động từ bỏ công việc có lương thấp hơn sang công việc được trả lương cao hơn. Ảnh: The New York Times

Julia Pollak, nhà kinh tế tại trang web ZipRecruiter cho biết: “Đây là thời điểm thị trường lao động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Hiện tại, không phải các công ty từ bỏ lực lượng lao động mà là lực lượng lao động từ bỏ công việc được trả lương thấp hơn sang công việc được trả lương cao hơn. Họ lựa chọn từ bỏ công việc vất vả hơn sang công việc tốt hơn, từ công việc kém linh hoạt hơn sang công việc linh hoạt hơn”.

Những xu hướng này bắt đầu vào năm ngoái, khi các nhà tuyển dụng báo cáo gặp khó khăn trong việc lấp đầy các vị trí thiếu, trong bối cảnh đất nước mở cửa trở lại sau khi tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao lên. Các công ty trong lĩnh vực bao gồm khách sạn, nhà hàng, giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe nhanh chóng bắt đầu cạnh tranh nhau để tăng lương, thưởng hậu hĩnh để lôi kéo người lao động. Người lao động cũng trở nên chọn lọc hơn, đưa ra những điều kiện đối với các loại công việc mà họ muốn xem xét.

Nhìn chung, số lượng người bỏ việc hoặc rời đi để bắt đầu công việc mới chiếm 3% lực lượng lao động.

Trước đại dịch, có khoảng 2,4 người thất nghiệp cho mọi công việc, Pollak nói. Khi nền kinh tế suy thoái, con số đó có thể tăng cao hơn nữa, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã phá hủy những mô hình cũ này. Sự mất cân đối đã đảo ngược khi hiện nay có khoảng 1,5 việc làm cho mỗi người thất nghiệp.

Mối nguy lạm phát đe dọa nền kinh tế, giá cả các mặt hàng đều tăng, đặc biệt là thực phẩm, nhà ở và năng lượng, khiến người lao động trở nên khó khăn trong việc trang trải các khoản sinh hoạt. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tăng lương.

Những ngành nghề nào bị “hổng” nhân viên nhất?

Số lượng người bỏ việc và thay đổi công việc cao nhất là nhân viên nhà hàng và quán bar, nhân viên bán lẻ, nhân viên nghệ thuật và giải trí. Đây là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Ngoài ra, các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh cũng có số lượng người bỏ việc cao. Gần 7% nhân viên nhà hàng và quán bar đã thay đổi hoặc bỏ việc trong tháng 11, và 4,4% nhân viên bán lẻ cũng vậy.

Nhìn chung, những ngành có tỷ lệ bỏ việc cao hơn cũng là những ngành có mức tăng lương lớn hơn trong năm qua, do các doanh nghiệp đua nhau cạnh tranh để có được lao động hiện có. Chẳng hạn, tiền lương cho nhân viên ngành dịch vụ giải trí và khách sạn đã tăng hơn 12% trong năm qua, theo dữ liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ.

Làm việc từ xa sẽ là xu thế lâu dài

Trong các cuộc khảo sát mà ZipRecruiter đã thực hiện, nhiều người tìm việc cho biết họ đang tìm kiếm các loại công việc mới, đặc biệt là công việc từ xa do lo ngại về dịch bệnh, mong muốn dành nhiều thời gian cho gia đình và chăm sóc con cái.

Alexis Farris, 41 tuổi, đã làm việc 4 năm trong một trang trại ngựa gần nhà ở Vancouver, bang Washington, là một trong số hàng triệu công nhân nghỉ việc để tìm vị trí mới trong tháng 11. Trong bốn năm đó, cô luôn cảm thấy mệt mỏi với mức lương thấp và thiếu các phúc lợi như chăm sóc sức khỏe và thời gian nghỉ ốm đau. Cô cho biết, số tiền lương chỉ đủ để nuôi sống cô và đứa con gái 8 tuổi. Vì vậy, cô quyết định tìm kiếm một công việc mới.

Người lao động cân nhắc các công việc từ xa do lo ngại về dịch bệnh, mong muốn dành nhiều thời gian cho gia đình và chăm sóc con cái. Ảnh: CNN

Người lao động cân nhắc các công việc từ xa do lo ngại về dịch bệnh, mong muốn dành nhiều thời gian cho gia đình và chăm sóc con cái. Ảnh: CNN

“Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm có rất nhiều cơ hội,” cô nói.

Cô nhắm mục tiêu tìm kiếm của mình đến những vị trí có mức lương cao hơn và cho phép cô làm việc tại nhà. Trong vòng vài tuần, cô ấy có thể tìm được một vị trí mới, làm dịch vụ khách hàng từ xa cho một công ty làm vườn quốc gia. Công việc mới của cô cũng đi kèm với mức lương tăng them 5USD/giờ và nhiều phúc lợi hậu hĩnh hơn. Giờ đây, cô có thể đón con gái từ trường vào giờ nghỉ trưa.

Ian Cohen, một giám đốc tiếp thị ở độ tuổi 40 ở gần Chattanooga, bang Tennessee, đã thay đổi công việc hai lần trong đại dịch Covid-19.

Số lượng công việc gợi ý trên hồ sơ LinkedIn của anh ấy ngày càng nhiều. Các nhà tuyển dụng đã cố gắng thuyết phục anh ấy rằng đây là thời điểm thị trường lao động “sốt” nhất, anh cần phải nắm lấy cơ hội.

Anh ấy đã nghỉ việc tại một công ty khởi nghiệp vào tuần đầu tiên của tháng 12 sau khi làm việc chưa đầy một năm và cảm thấy đó không phải là vị trí phù hợp với mình. Anh bắt đầu một công việc mới, với tư cách là giám đốc chương trình cho một công ty công nghệ khác, vào tuần tới.

“Không thiếu cơ hội cho những vị trí mong muốn của tôi,” anh nói.

Anh cho biết xu hướng làm việc từ xa đã có từ 5 năm trước. Anh ấy chỉ cân nhắc trước các vị trí công việc từ xa vì anh ấy không muốn gây nguy hiểm cho sự an toàn dịch bệnh của gia đình mình hoặc đối phó với chặng đường đi làm quá xa. Với số lượng các dịch vụ làm việc từ xa đã tăng theo cấp số nhân trong hai năm dịch bệnh vừa qua, anh ấy có thêm rất nhiều lựa chọn.

Nhìn chung, thị trường lao động Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, khi cả nước có thêm khoảng 550.000 việc làm mỗi tháng trong 11 tháng đầu năm. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động do một số công nhân vẫn chưa trở lại làm việc, trong khi những người khác đã yêu cầu nghỉ hưu sớm hoặc rời khỏi lực lượng lao động vì những lý do khác.

Các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế đã lo ngại về sự suy giảm thị trường việc làm sau khi số liệu việc làm trong tháng 11/2021 thấp hơn dự báo. Trong thời gian tới, trước ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh do chủng Omicron, thị trường lao động Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, gây áp lực hơn cho các doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.