Nhận định chứng khoán tuần tới: Chỉ số 'chông chênh', cần tích luỹ tạo nền

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
08:45 - 10/07/2022
Nếu đúng xu hướng tích luỹ, VN-Index sẽ có bước phục hồi mạnh mẽ.
Nếu đúng xu hướng tích luỹ, VN-Index sẽ có bước phục hồi mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường có thể vào xu hướng tích lũy chặt chẽ dần ở vùng giá hiện tại khi mặt bằng giá cổ phiếu vẫn đang ở mức hấp dẫn, trong bối cảnh đà hồi phục của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2.

Khối ngoại trở lại bán ròng

Thị trường điều chỉnh trở lại trong tuần qua sau khi thất bại trước ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (8/7), VN-Index đứng ở mức 1.171,31 điểm, tương ứng giảm 27,59 điểm (-2,3%) so với tuần trước; HNX-Index cũng giảm 1,08 điểm (-0,39%) xuống 277,8 điểm; UPCoM-Index giảm 1,22 điểm (-1,38%) xuống 86,96 điểm.

Cùng với đà giảm về mặt điểm số, thanh khoản cả 2 sàn đều giảm đáng kể. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE giảm 7,28% so với tuần giao dịch trước, còn gần 455 triệu cổ phiếu/phiên; giá trị giao dịch giảm 8,8% với 55.866 tỷ đồng. Còn tại sàn HNX, thanh khoản bình quân giảm 12%, về gần 52 triệu cổ phiếu/phiên; giá trị giao dịch giảm 14,1% với 5.321 tỷ đồng.

Cổ phiếu “nặng gánh” nhất tuần qua là GAS với mức giảm hơn 13%, kéo giảm chỉ số 6,6 điểm; trong khi VIC đứng thứ 2 chỉ làm giảm gần 2,3 điểm. GAS có tuần giảm mạnh trong bối cảnh giá dầu Brent và WTI lần lượt giảm 4,1% và 3,4% trong tuần qua, sau khi ghi nhận tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2021. Không chỉ GAS, các cổ phiếu dầu khí khác cũng giảm mạnh, như PLX (-3,1%), BSR (-14,5%), OIL (-1,6%), PVD (-7,7%), PVS (-7,3%)...

Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin cũng mất 4,8% giá trị vốn hóa do chịu áp lực từ các trụ cột như FPT (-5%), CMG (-8,1%)...

Ngược lại, nhóm cổ phiếu kéo tăng lại tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu thuộc lĩnh vực tài chính như ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Trong đó, ngân hàng đóng góp 4 cổ phiếu nằm trong top 10 ảnh hưởng tích cực nhất, bao gồm TCB, VIB, MBB và STB. TCB đạt mức tăng tốt nhất với mức +4,3% cho cả tuần.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng có đóng góp đáng kể cho chỉ số thông qua hai cổ phiếu là DIG và DXG khi hai cổ phiếu này góp mặt trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực, mang về cho chỉ số tổng cộng hơn 0,5 điểm.

Bên cạnh việc giảm điểm, tuần qua còn thêm yếu tố tiêu cực nữa là khối ngoại chuyển hướng bán ròng mạnh hơn 1.200 tỷ đồng trên toàn thị trường. Riêng trên sàn HoSE, tổng giá trị bán ròng đạt 1.055 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó từ 27/6 – 1/7, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 182 tỷ đồng.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần qua với tổng giá trị đạt 233 tỷ đồng. Đứng ở vị trí tiếp theo là VHM với 164 tỷ đồng, GAS với 143 tỷ đồng. Trong khi ngược lại, VNM với giá trị đạt 237 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 3,26 triệu đơn vị. Tuy nhiên, xét về khối lượng, cổ phiếu STB dẫn đầu danh mục được mua ròng mạnh với khối lượng mua ròng đạt 4,82 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 109 tỷ đồng.

Cân nhắc giải ngân từng phần

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường điều chỉnh trở lại trong tuần qua sau khi thất bại trước ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong hai phiên đầu tuần. Điều này khiến cho áp lực bán gia tăng mạnh sau đó và khiến thị trường tạo đáy mới trong năm 2022 ở quanh ngưỡng 1.140 điểm.

Lực cầu xuất hiện trong khi bên bán khá yếu đã giúp thị trường hồi phục trong hai phiên cuối tuần. Tuy nhiên thanh khoản suy yếu cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn do dự, thiếu sự ổn định cho một sự hồi phục dài hơi. Vì vậy, khả năng thị trường quay trở lại đà giảm trong tuần tới là có thể xảy ra.

Với góc nhìn dài hạn hơn, SHS kỳ vọng sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần, ở vùng giá hiện tại mặt bằng giá cổ phiếu vẫn đang ở mức hấp dẫn, trong bối cảnh đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch vẫn được duy trì, nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2/2022.

Nhà đầu tư giá trị nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn có thể giải ngân ở các phiên điều chỉnh mạnh như phiên 6/7 vừa qua. Tuy nhiên với quan điểm thị trường đang hình thành vùng tích lũy, nên cân nhắc giải ngân từng phần bởi quá trình tích lũy có thể kéo dài. Không nên giải ngân theo phong cách “all in” (mua hết tiền) để tránh bị tâm lý căng thẳng trong giai đoạn hiện tại.

VN-Index "thủng đáy" 1.150 trong tuần qua nhưng sau đó đã "vá" lại ngay.

VN-Index "thủng đáy" 1.150 trong tuần qua nhưng sau đó đã "vá" lại ngay.

Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong phiên cuối tuần, áp lực cung bắt đầu cho thấy dấu hiệu suy giảm tại ngưỡng 1.150 điểm, đi kèm với đó là dòng tiền quay lại thị trường khá ấn tượng trong phiên chiều cho thấy tâm lý giao dịch chung trên thị trường đã bắt đầu chuyển sang trạng thái lạc quan hơn.

VCBS kỳ vọng, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động tích lũy quanh ngưỡng 1.150 điểm với biên độ khoảng +/-10 điểm trong một vài phiên tới như một quá trình “tạo nền”. Do vậy, nhà đầu tư nên nên tạm thời quan sát thêm trong những phiên tới bởi vùng hiện tại của chỉ số chung là đang tương đối “chông chênh”, nhất là khi VN-Index đã trải qua một nhịp giảm sâu “phá đáy” tháng 05/2022 và vẫn cần thêm thời gian để tích lũy ổn định mặt bằng giá trước khi kỳ vọng về một sự bứt phá mới.

Chứng khoán MB (MBS) nhận định, chỉ số VN-Index có 2 phiên vá đáy sau khi thủng ngưỡng 1.150 điểm. Phiên cuối tuần, chỉ số chỉ có mức tăng nhẹ nhưng mặt bằng cổ phiếu lại tăng tốt khi nhóm midcap và smallcap có mức phục hồi tốt hơn so với nhóm bluechips, chốt phiên có gần 90 cổ phiếu tăng trần trên toàn thị trường.

Về kỹ thuật, thị trường đang có sự phân hóa tích cực nên nhà đầu tư tập trung vào từng cổ phiếu cụ thể hơn là tham chiếu vào chỉ số chính. Dòng tiền đang có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… bên cạnh nhóm cổ phiếu đã có mức giảm sâu như dầu khí, thép, năng lượng… Việc thanh khoản thấp đang là tín hiệu cho thấy lực cung đã ở vùng cạn kiệt, do vậy nhà đầu tư có thể túc tắc mua gom cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 khả quan.

"Đánh ngắn" nên chú ý biểu đồ kỹ thuật

Tại Talkshow Chọn Danh mục trên báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, thanh khoản thị trường đã thấp dần so với giai đoạn đầu năm nay cũng như cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều dễ hiểu do bên bán đã cạn dần áp lực trong khi bên chờ mua vẫn thận trọng sau những nhịp biến động.

Để thanh khoản quay trở lại thì theo góc nhìn kỹ thuật, thị trường phải quay trở lại xu hướng tăng ngắn hạn. Ông Tâm đánh giá, thị trường sẽ hút thanh khoản nhiều hơn khi VN-Index có thể vượt một số mốc kháng cự quan trọng hoặc vượt một số đường trung bình động như đường 20 ngày.

Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, ông Tâm khuyên rằng ở thời điểm hiện tại nên chú ý trên biểu đồ kỹ thuật và lựa chọn những cổ phiếu nào khoẻ hơn thị trường. Đó là những cổ phiếu đã tạo mẫu hình 2 đáy trên đồ thị kỹ thuật. Còn với nhà đầu tư dài hạn, đây là giai đoạn rất tốt để có thể tích luỹ dần. Chiến lược là canh những nhịp điều chỉnh để mua vào cổ phiếu với view từ 2-3 năm. Đại diện là ngành thép, tôn mạ, ngành chứng khoán hoặc một số đại diện đầu ngành trong ngành tiêu dùng và bán lẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.