Nhật Bản tạm dừng việc xả nước thải từ nhà máy Fukushima

Xả thải NHẬT BẢN
16:35 - 15/03/2024
 Việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị đình chỉ do Fukushima xảy ra động đất. Ảnh: AP
Việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị đình chỉ do Fukushima xảy ra động đất. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/3, Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) cho biết việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị đình chỉ - một động thái phòng ngừa được đưa ra do Fukushima xảy ra động đất.

Hãng tin AFP trích dẫn thông báo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết một trận động đất mạnh 5,8 độ richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển khu vực đông bắc Fukushima – nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị sóng thần tàn phá năm 2011. Vụ động đất diễn ra vào lúc 12h14 ngày 15/3 theo giờ địa phương và không gây ra bất kỳ cảnh báo sóng thần cũng như thiệt hại nào.

Đối với nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cũng như quá trình xả nước thải tại đây, Tepco trong một tuyên bố trên mạng xã hội X khẳng định không có bất thường nào trong hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (Alps). Alps đang được sử dụng để loại bỏ tất cả các nguyên tố phóng xạ khỏi nước bị ô nhiễm ngoại trừ tritium.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, công ty cho biết “đã đình chỉ hoạt động của các cơ sở theo quy trình vận hành đã xác định trước”. Ngoài Tepco, cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản cũng cho biết không phát hiện điều bất thường nào tại nhà máy Fukushima Daiichi cũng như nhà máy Fukushima Daini ở gần đó ngay sau trận động đất.

Bắt đầu từ tháng 8/2023, Tepco tiến hành việc xả khoảng 1,34 triệu tấn nước thải đã qua xử lý ra biển Thái Bình Dương như một phần trong kế hoạch ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Nước thải sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ triti, một đồng vị của hydro khó tách khỏi nước. Nước sau được xử lý sẽ được pha loãng xuống dưới mức triti được quốc tế chấp nhận trước khi được thải ra Thái Bình Dương.

Việc xả thải nước đã qua xử lý ra biển diễn ra sau khi được chính phủ Nhật Bản phê duyệt năm 2021 và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc - "bật đèn xanh" vào tháng 7/2023. Khi đó, IAEA đã khẳng định việc này đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, trong khi tác động đối với con người và môi trường là "không đáng kể".

Tuy nhiên, một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, bày tỏ sự hoài nghi rất lớn về tính an toàn. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 28/8/2023, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tuyên bố chính phủ Nhật Bản đã “phớt lờ sự phản đối và chất vấn mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và đơn phương bắt đầu kế hoạch xả thải”

Ông khẳng định Trung Quốc “mạnh mẽ yêu cầu phía Nhật Bản xem xét mối quan ngại chính đáng của tất cả các bên, ngay lập tức chấm dứt việc xả thải, tham khảo ý kiến đầy đủ với các nước láng giềng và các bên liên quan khác và xử lý vấn đề một cách có trách nhiệm”.

Gần như ngay sau khi nước thải bắt đầu được xả ra biển chiều ngày 24/8/2023, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản, trong đó bao gồm Fukishima và Tokyo. Việc nhập khẩu mặt hàng này từ các tỉnh khác sẽ được cho phép nhưng phải vượt qua các cuộc kiểm tra phóng xạ và có bằng chứng nguồn gốc từ bên ngoài 10 tỉnh bị cấm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.