Nhiều địa phương còn "mặc kệ người nông dân làm việc với doanh nghiệp"

Nông Sản Việt nAM
09:41 - 07/12/2021
Nhiều địa phương còn "mặc kệ người nông dân làm việc với doanh nghiệp"
0:00 / 0:00
0:00
 Việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của địa phương, tuy nhiên theo phản ánh của doanh nghiệp thì nhiều địa phương còn thờ ơ với công tác này.

Năm 2021, sản lượng cây ăn trái của các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào đạt hơn 7 triệu tấn. Con số này tăng 100.000 tấn so với 2020, tập trung ở những cây ăn quả chủ lực chuối, xoài, mít… Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn. Trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã cho biết thông tin trên tại Diễn đàn trực tuyến “Kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái” do Tổ Điều hành 970của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Dự báo, trong quý I/2022, sản lượng trái cây phía Nam đạt khoảng 1,6 triệu tấn, trong đó, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 52% sản lượng, Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 26%, Đông Nam bộ chiếm 16% và Tây Nguyên chiếm 6%.

Theo ông Lê Thanh Tùng, trong quý I/2022, việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ và xuất khẩu.

Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu. Riêng thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh tăng thêm và điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng tình hình tiêu thụ sản phẩm càng gặp khó khăn hơn khi Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu nông sản ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên Đán 2022.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, bởi vậy sự thay đổi của Trung Quốc trong vấn đề nhập khẩu đã ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng tiêu thụ nông sản của nước ta.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam về giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với gần 6,8 tỷ USD (chiếm 19,1% thị phần). Trong đó, kim ngạch nhóm rau quả chiếm tới 24,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, cho rằng để giải quyết khó khăn hiện tại và đưa ra hướng phát triển bền vững trong tương lai, ngành nông nghiệp Việt Nam, các địa phương và các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Khi chất lượng sản phẩm rau quả của Việt Nam được nâng cao thì việc liên kết, tiêu thụ của các doanh nghiệp sẽ giảm được nhiều rủi ro khi bước ra thị trường thế giới.

Cùng quan điểm, ông Đinh Viết Tú, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng cần cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có chất lượng cao.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xây dựng các phương án để tăng chất lượng, giảm chi phí, tăng cường chế biến sâu và mở rộng thị trường cũng như xây dựng hệ thống cung ứng nông sản bền vững.

Đối với các địa phương, cần chủ động kết nối tìm thêm các thị trường tiềm năng để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.

Song song đó, quan tâm đầu tư đúng mức phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản xuất bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và logistic.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, đưa ra đề xuất cân nhắc việc định hướng hạn chế sử dụng các vật tư có nguồn gốc vô cơ trong quá trình sản xuất, khuyến khích người dân liên kết thành hợp tác xã, canh tác theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Song song đó, cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào những thị trường còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Để tiêu thụ sản lượng nông sản trong thời gian tới, ông Lê Thanh Tùng đề nghị các địa phương cần nắm chắc sản lượng, chất lượng cây ăn trái trên địa bàn của mình để có những dự báo sớm về kịch bản tiêu thụ, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ có phương án kết nối sớm.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Vy cho rằng thực tế nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nông sản. Nhiều nơi tỏ ra thờ ơ, mặc kệ người nông dân làm việc với doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp có thể kết nối, thu mua, tiêu thụ nhưng việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của địa phương. Nếu thay đổi được điều này thì xuất khẩu mới có thể khởi sắc trong thời gian tới”, bà Vy nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp