Nông sản là thế mạnh của Việt Nam tại Trung Đông

XNK Việt nAM
00:03 - 28/11/2021
0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế các nước Trung Đông phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ, trong khi nông nghiệp ít phát triển khiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng nông sản là rất lớn và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.

Hội thảo trực tuyến "Phổ biến thông tin tiếp cận thị trường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông" được Bộ Công Thương tổ chức hôm 26/11 là dịp để các tham tán thương mại và thương vụ Việt Nam tại các nước Trung Đông chia sẻ thêm kinh nghiệm tiếp cận thị trường giàu tiềm năng này.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông đã tăng trưởng với tốc độ khoảng 5,2%/năm. Năm 2020 thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Đông đạt 12,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 6,4 tỷ USD. Con số này chỉ chiếm 0,8% kim ngạch nhập khẩu của các nước Trung Đông nên cơ hội mở rộng thị phần của hàng hóa Việt Nam tại đây còn rất lớn. Trong 10 tháng đầu năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam với khu vực này đã đạt 12,9 tỷ đô, tăng 25,6 % so với cùng kỳ năm 2020.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trong khu vực này có tính chất bổ sung cho nhau. Khu vực Trung Đông là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như điện thoại, các loại linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, hạt điều, rau quả thực phẩm chế biến…

Ngược lại Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn từ Trung Đông các mặt hàng như dầu mỏ, khí đốt hóa lỏng, chế phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, nguyên liệu… Các chuyên gia đánh giá đây là nhóm thị trường có sức mua lớn và khả năng thanh toán cao, có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư song phương với Việt Nam.

Ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, mặt hàng điện thoại di động, linh kiện điện tử là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, chiếm 50-60% tỷ trọng xuất khẩu. Ngoài ra, các mặt hàng như màn hình máy tính và linh kiện, cao su, mủ cao su, các sản phẩm da giày, hạt tiêu, hạt điều… cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này. Trong đó hạt tiêu và hạt điều của Việt Nam “thống trị” thị trường nước này.

Thị trường Arab Saudi cũng có nhu cầu cao về mặt hàng nông sản. Ông Trần Trọng Kim, bí thư thứ nhất thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi chia sẻ, đây là quốc gia không sản xuất được lúa gạo mà phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu với hơn 80% nhu cầu lương thực nhập từ nước ngoài. Đứng đầu là mặt hàng gạo, tiếp theo là lúa mạch, ngô và lúa mì với giá trị nhập khẩu khoảng 4,3 tỷ USD/năm.

Ngoài ra Arab Saudi cũng có nhu cầu cao về trái cây và rau tươi như chuối, dưa hấu, dứa. Nhu cầu về gia vị, thảo mộc của quốc gia này cũng đang tăng cao do người dân ưa thích sử dụng các loại gia vị nêm nếm vào các món ăn của họ, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi

Ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi

Thị trường khu vực Trung Đông tuy có nhiều tiềm năng, nhưng đây lại là khu vực có diễn biến phức tạp về chính trị, xung đột tôn giáo, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn. Nền chính trị của quốc gia bất ổn cũng khiến doanh nghiệp khó có lòng tin đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin về các đối tác bán hàng, về nhu cầu, thị hiếu, dung lượng thị trường, các chính sách thương mại và các quy định về xuất nhập khẩu, các cơ hội giao thương.

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ, như khó khăn trong sản xuất chế biến, đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí logistic tăng cao. Ngoài ra, cạnh tranh về giá cả, chất lượng, sản lượng sản phẩm cũng là một điểm khó khăn do doanh nghiệp Việt Nam. Các quốc gia Trung Đông đang siết chặt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và áp dụng thuế nhập khẩu tương đối cao, bảo hộ thị trường mạnh, cũng làm giảm cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt.

Theo ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong vài năm gần đây quốc gia này gặp một số biến động về chính trị, địa chính trị khu vực khiến kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng khá nhiều. Tỷ giá đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ bị phá giá gây ảnh hưởng nhiều nhiều mặt. Cụ thể, trong những ngày vừa qua, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá tới 15% do sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này gây khó khăn cho việc xuất khẩu sang thị trường này của Việt Nam do tỷ giá chênh lệnh khá lớn khiến giá nhập khẩu sẽ bị đội lên rất cao.

Khu vực Trung Đông bao gồm 15 quốc gia với dân số khoảng hơn 320 triệu người, là khu vực có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, có vị trí chiến lược quan trọng tiếp giáp với ba châu lục là châu Á, châu Phi và châu Âu. Nền kinh tế của nhiều nước ở Trung Đông, nhất là những nước vùng vịnh chủ yếu phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu khí.

Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Isarel mặc dù không có nguồn tài nguyên dầu khí nhưng đã phát triển nền kinh tế tương đối đa dạng. Hiện tại các nước ở Trung Đông đang tích cực cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hóa, phát triển khu vực tư nhân, giảm sự phụ thuộc vào ngành dầu mỏ, đầu tư mạnh mẽ vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm kinh tế thương mại khu vực tự do Free Zone, tiếp tục mở cửa thị trường tăng cường tự do hóa thương mại và hội nhập mạnh mẽ với các nước trên thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp